Năm 2022, vào đúng dịp 21/6, báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) ra mắt sản phẩm Tin tức TV đầu tiên, là sự nỗ lực của toàn toà soạn để có thêm loại hình thông tin đa phương tiện mới phục vụ bạn đọc. Ban biên tập báo đã cân nhắc tình hình thực tế cũng như đặc thù của đơn vị để quyết định triển khai các sản phẩm truyền hình trong 2 thể loại chính: Talkshow và Phóng sự.
Phòng Quốc tế được giao "nổ phát súng" đầu tiên, với đề tài Talkshow: “Bạo lực súng đạn - Nỗi đau nước Mỹ”.
Nhà báo Trần Thanh Tuấn, Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại New York (Mỹ), nguyên Trưởng phòng Quốc tế nhớ lại: "Chúng tôi đã bàn bạc và quyết định chọn thể loại Talk show bởi đây là loại hình báo chí tổng hợp vừa phỏng vấn hiện trường, vừa biên tập trường quay. Talkshow đầu tiên có sự góp sức của cả tập thể, từ liên lạc với phóng viên dẫn hiện trường tại nước Mỹ, vừa biên tập chọn hình ảnh theo kịch bản…"
“Tôi đã từng cộng tác với Vnews trong một số chương trình bình luận quốc tế, nên không quá bỡ ngỡ. Các biên tập viên còn lại của phòng thì chưa có kinh nghiệm làm truyền hình. Đó là khó khăn nhưng đổi lại, mọi người đều hào hứng, mầy mò học hỏi về loại hình thông tin mới này”, nhà báo Trần Thanh Tuấn kể lại.
Kiểm soát súng đạn tại Mỹ là chủ đề vốn đã được bàn luận nhiều, nhất là liên quan đến thông tin thời sự về vụ xả súng tại một trường học khiến 21 người tử vong, trong đó có 18 học sinh. Với chủ đề này, Talkshow thể hiện sự tương tác, tranh luận, phản biện. Nhóm thực hiện đã mời nhà báo Đặng Huyền, nguyên trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Washington DC (Mỹ) vừa hoàn thành nhiệm kỳ công tác về nước, để mang tới những trải nghiệm hiện trường tại Mỹ. Khách mời Tiến sĩ Phạm Cao Cường đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có bề dày học thuật cao. Điều này mang đến những góc nhìn khác nhau, làm sáng rõ đề tài.
Kể về kinh nghiệm làm Talkshow, nhà báo Trần Thanh Tuấn cho rằng: Do thời lượng khoảng 25-30 phút thì quan trọng nhất là phân vai và thời gian trao đổi bàn luận. Biên tập viên phải trao đổi kỹ với khách mời, cùng bàn bạc, thống nhất về kịch bản, để cho khách mời có câu trả lời trúng trọng tâm trong thời lượng cho phép. Kết quả thật mỹ mãn, Talkshow thực hiện tại trường quay 79 Lý Thường Kiệt của Trung tâm Kỹ thuật đã diễn ra rất suôn sẻ, hầu như mọi cảnh quay chỉ trong một đúp, mọi diễn biến đều sát với kịch bản, các khách mời trao đổi nhiệt tình, với người host là nhà báo Trần Thanh Tuấn kiểm soát rất tốt nhịp điệu cuộc Talk.
Cùng thời gian này, sản phẩm đầu tiên của phòng Phóng viên là phóng sự Tin tức TV "Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng" cũng vào giai đoạn nước rút, chuẩn bị triển khai gối đầu. Đây là sản phẩm Tin tức TV thứ 2 của báo. Với phòng Phóng viên, đây là thể loại hoàn toàn mới, cả phòng chỉ có 2 phóng viên ảnh biết kỹ thuật dựng, còn lại chưa một phóng viên, biên tập viên nào từng thực hiện sản phẩm truyền hình hay làm MC. Kiến thức về báo hình của các phóng viên chỉ “lõm bõm” qua quá khứ từng đi tác nghiệp cùng các đồng nghiệp làm truyền hình. Kinh nghiệm cũng chỉ dừng ở việc thực hiện các clip ngắn bổ trợ cho thông tin trên báo điện tử. Vì thế, khi triển khai, không ít phóng viên đã ví von như đang quen “viết tay phải” nay viết thêm “tay trái” nên vừa mò mẫm tự học, vừa khắc phục khó khăn.
Do thời gian hoàn thành sản phẩm từ lúc giao cho đến lúc có sản phẩm là 1 tuần nên phòng Phóng viên chỉ định nhà báo Vũ Xuân Cường phụ trách mảng an sinh xã hội làm chủ đề tài và huy động gần 2/3 quân số của phòng theo từng ê-kíp, tăng tốc làm theo đúng kịch bản đã được duyệt. Có nhóm vào bệnh viện để ghi nhận thực tế những tác hại của không gian mạng tới sức khoẻ tâm thần của trẻ em; nhóm thì tới các gia đình có con nhỏ “nghiện” các trò chơi điện tử; nhóm khác phỏng vấn những nhà hoạt động xã hội, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, lực lượng an ninh mạng; một nhóm thì tìm tới các giải pháp đã được thực hiện nhằm cung cấp kỹ năng cho cha mẹ và các em nhỏ khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng…
Liên hệ phỏng vấn, bố trí người đi quay, tìm hình trám, chọn MC dẫn chương trình…, các khâu chuẩn bị “nguyên liệu” cho tác phẩm, dần cũng xong. Nhưng khâu dựng phim là cả một vấn đề. Nhà báo Phạm Thuỳ Hương, Trưởng phòng Phóng viên chia sẻ: Trung tâm Kỹ thuật đã bố trí 2 nhân sự là anh Minh Công và anh Duy Cường hỗ trợ các phóng viên dựng phim. Nhưng trên tinh thần chủ động cao nhất, phòng Phóng viên huy động mọi nhân sự có kiến thức kỹ thuật để tham gia quay và dựng hình. Một ekip đã ở lại phòng dựng, thực hiện từ chiều đến gần 11 giờ đêm mới gọi là hòm hòm sản phẩm. Thêm 1 ngày nữa cho các khâu “chuốt hình” về sau. Ai cũng mệt đến bơ phờ, nhưng khi sản phẩm được lên sóng, đều thở phào như người nông dân “cày xong thửa ruộng”.
Sản phẩm phóng sự hình đầu tiên đã được nhận nhiều ý kiến đóng góp của cả tập thể toà soạn và các đồng nghiệp bên ngoài. Còn một số vấn đề kỹ thuật được rút kinh nghiệm, nhưng nhìn chung, các ý kiến nhận xét đều ghi nhận chất lượng của một sản phẩm đầu tay của những nhân sự “tay ngang’. Thậm chí tại giao ban cơ quan, Trung tâm Truyền thông Thông tấn cũng đã có lời “đặt hàng” để báo Tin tức thực hiện phóng sự và phim tài liệu về tỉnh Hoà Bình sau sản phẩm Tin tức TV của phòng. Điều này thật sự là một động viên lớn đối với nhóm thực hiện, giúp các phóng viên, biên tập viên vốn quen làm báo viết, báo điện tử thêm tự tin khi “dấn thân” vào địa hạt truyền hình.
Đến nay, sản phẩm truyền hình Tin tức TV được đội ngũ cán bộ, phóng viên của 2 phòng Quốc tế và Phóng viên báo Tin tức thực hiện đều đặn, với sự hỗ trợ rất nhiệt tình, hiệu quả của Trung tâm Kỹ thuật. Ban biên tập báo Tin tức luôn sâu sát chỉ đạo nội dung và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các phòng thực hiện sản phẩm truyền hình. Công việc đã vào guồng nên các ê kíp được tinh gọn dần để hoạt động hiệu quả nhất; thời gian thực hiện được rút ngắn để bảo đảm các vấn đề thời sự được lên sóng kịp thời. Tuy nhiên, những bỡ ngỡ ban đầu khi phải tung toàn bộ lực lượng tinh nhuệ không kể ngày đêm thực hiện từng phút hình của 2 sản phẩm đầu tiên, vẫn là những kỷ niệm đẹp với nghề của các phóng viên, biên tập viên Tin tức.