Cụ thể, tại thành phố Đà Lạt có 50 vị trí, khu vực; thành phố Bảo Lộc có 118 khu vực, huyện Đam Rông có 47 khu vực, Lâm Hà có 7 khu vực, vị trí đã xảy ra sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Trong đó có nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra thời gian qua như sạt trượt hồ Đông Thanh (huyện Lâm Hà); sạt lở đèo Bảo Lộc, đường tránh phía Nam (thành phố Bảo Lộc); sạt lở tại xã Đạ K’Nàng làm 2 người chết (huyện Đam Rông)...
Theo cơ quan chuyên môn, khi mùa mưa đến, sạt lở đất thường xảy ra ở các tuyến đường đèo qua vùng núi có độ dốc lớn trên Quốc lộ 20, 27, 28, đường ĐT723… Sạt lở cũng xảy ra ở các sông, suối như sông Đa Nhim, sông Đồng Nai, sông Krông Nô. Ở khu vực đô thị cũng xuất hiện các hiện tượng sạt lở đất, tai biến địa chất như vụ sạt lở đường Hoàng Hoa Thám, Trương Công Định, Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đình Phùng (thành phố Đà Lạt).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, trên toàn tỉnh địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao với các nhóm đất là bazan, phù sa khiến kết cấu đất yếu, khi gặp nước mưa làm tăng nguy cơ sạt lở. Cùng với đó, mùa mưa tại địa phương kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm, với lượng mưa trung bình luôn cao hơn cả nước (từ 1.750 – 3.150mm/năm) cũng khiến nguy cơ sạt lở đất ở mức cao.
Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lâm Đồng đang triển khai thực hiện Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét, xây dựng bản đồ sạt trượt và giải pháp phòng, chống, xử lý sạt trượt trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ". Tỉnh kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực sông suối, sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Ngày 17/9, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các địa phương, sở ngành liên quan chủ động phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt do mưa lớn. Trong đó các địa phương chủ động rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ cao để có phương án chủ động phòng, chống, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân. Các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đường giao thông xung yếu, theo dõi sát tình hình mưa lớn, diễn biến thiên tai để kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.