Lan tỏa làm theo Bác ở vùng cao Mường La

Với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở huyện vùng cao Mường La, tỉnh Sơn La đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Thủy ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là tấm gương điển hình trong việc học Bác với mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh (tư liệu): Nguyễn Cường/TTXVN

Tinh thần tương thân, tương ái

Hơn 4 năm trôi qua kể từ trận lũ lịch sử xảy ra vào đầu tháng 8/2017, vùng đất Nặm Păm, huyện Mường La vẫn còn đó các dấu tích và những con người vượt qua gian khó để cùng chung tay tái thiết sau thiên tai. Gia đình ông Lò Văn Sương, cũng như người dân bản Huổi Liếng, xã Nặm Păm bắt tay vào ổn định lại cuộc sống, nhưng nhiều hộ không còn đất để mưu sinh. Khi chính quyền địa phương triển khai dự án tái định cư cho người dân vùng lũ, gia đình ông Lò Văn Sương đã tự nguyện hiến hơn 5 ha đất để ổn định cuộc sống cho các hộ dân trong bản.

Trưởng bản Huổi Liếng Cà Văn Sang chia sẻ, trận lũ quét xảy ra đầu tháng 8/2017, đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, ruộng vườn và tài sản của người dân trong bản. Khi chính quyền địa phương di chuyển người dân đến nơi ở mới, tuy gia đình ông Lò Văn Sương cũng bị thiệt hại nặng trong trận lũ, nhưng vẫn hiến hơn 5 ha đất trên đồi để các hộ dân vùng lũ ổn định cuộc sống. Việc làm của gia đình ông Lò Văn Sương rất ý nghĩa, thể hiện tinh thần tương thân tương ái trong lúc khó khăn.

Còn đối với người dân bản Hốc cũng ở xã Nặm Păm, cơn lũ đi qua, cả bản đã phải di chuyển đến nơi ở mới. Toàn bộ diện tích đất sản xuất trước đây ở trên đồi cao không bị ảnh hưởng trận lũ đã được người dân hiến để xây dựng nhà lắp ghép. Ông Lường Văn Hóa, Trưởng bản Hốc cho hay, bản đã tổ chức họp các hộ dân và người dân đồng tình ủng hộ hiến đất để làm nhà cho những gia đình bị thiệt hại do thiên tai, cũng như phục vụ xây dựng các công trình dân sinh bị hư hỏng.  

Gần 20 ha đất được các hộ dân bản Hốc hiến có ý nghĩa rất lớn trong việc ổn định cuộc sống của người dân vùng lũ. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nặm Păm Quàng Thị On thông tin, sau trận lũ, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để ổn định đời sống cho người dân, trong đó có chủ trương hiến đất để làm nhà. Đến nay, 6 điểm tái định cư của xã đã hoàn thành và người dân đã cơ bản có cuộc sống ổn định.  

Hiến đất để đổi mới quê hương 

Từ Nặm Păm vào Ngọc Chiến, một xã vùng III của huyện Mường La đi trên con đường trung tâm xã rộng thênh thang mới cảm nhận hết niềm vui và thành quả của quá trình vận động nhân dân hiến đất làm đường, trong đó phải kể đến vai trò đầu tàu gương mẫu của những người đảng viên đã hy sinh lợi ích chung để xây dựng bản mường. Ông Lò Văn Phới, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Chiến đã trở thành một điển hình trong phong trào hiến đất để đổi mới quê hương.  

Trước đây, xã Ngọc Chiến có kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn. Xác định phải mở rộng đường giao thông để thông thương và phát triển kinh tế ở xã khó khăn như Ngọc Chiến, chủ trương vận động người dân hiến đất làm đường đã được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai sâu rộng. Nhờ sự cống hiến của những người như ông Lò Văn Phới, tuyến đường trung tâm xã thay vì chỉ rộng chừng 3 m vừa cho một ô tô chạy, nay 2-3 ô tô có thể tránh nhau dễ dàng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Chiến Lò Văn Phới bộc bạch, ông may mắn hơn người khác là có nhiều đất do trước kia lao động miệt mài có được nên mới chia sẻ cùng cộng đồng. Đặc biệt, trong suy nghĩ, mình là cán bộ, đảng viên, nên ông luôn gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Gia đình ông Lò Văn Phới không chỉ hiến 1.000 m2 đất để mở rộng tuyến đường trung tâm xã, mà còn tặng Trường Mầm non xã 2.800 m2 để các cháu có chỗ học hành, vui chơi rộng rãi. Theo Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến Bùi Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lò Văn Phới là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn thể hiện tính tiên phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, ông Lò Văn Phới luôn đi đầu trong việc hiến đất, mở đường và đã hiến một diện tích đất rất lớn. Ông Lò Văn Phới chính là một nhân tố quyết định và đóng góp vào thành công rất lớn của việc thực hiện chủ trương vận động nhân dân hiến đất mở đường ở Ngọc Chiến.

Lan tỏa mô hình hay, cách làm sáng tạo

Mường La là huyện khó khăn, có 33 chi, đảng bộ cơ sở. Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, 5 năm qua, Đảng bộ huyện Mường La đã lựa chọn nhiều nội dung làm theo Bác để tổ chức thực hiện. Thông qua những việc làm, hoạt động cụ thể, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cũng như các tầng lớp nhân dân về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng được nâng lên rõ rệt, Việc học tập và làm theo Bác ở Mường La đã trở thành nội dung thường xuyên, hành động tự giác trong mọi hoạt động và được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, điển hình tập thể, cá nhân gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo Bác. Qua đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, dần đi vào chiều sâu trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Mường La.    

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường La Lò Văn Tưởng thông tin, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, các cấp ủy Đảng trong huyện đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm; tập trung thực hiện những nội dung đột phá để giải quyết dứt điểm, nhất là vấn đề bức xúc, nổi cộm. Đồng thời, địa phương luôn chú trọng đến các chương trình phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân tái định cư các công trình thủy điện; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới…

Sức lan tỏa Chỉ thị 05 ở Đảng bộ huyện Mường La đã tạo sâu rộng, đến nay, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong việc học và làm theo Bác được biểu dương, khen thưởng. Xác định thực hiện Chỉ thị số 05 là nhiệm vụ quan trọng để đưa nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường La đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề cấp bách, vụ việc nổi cộm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự đồng thuận để đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường La Lò Văn Tưởng, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ở Mường La có ý nghĩa rất quan trọng, ngày càng đi vào nền nếp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong toàn huyện tăng cường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, bằng quyết tâm chính trị, tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp thực tiễn. Huyện đẩy mạnh các phong trào học tập và làm theo gương Bác; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Huyện tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, trước hết là người đứng đầu lựa chọn những việc làm cụ thể, thiết thực sát với thực tiễn để triển khai thực hiện...

Giai đoạn 2021-2025, huyện Mường La xác định tiếp tục “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Qua đó, góp phần tích cực đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, củng cố niềm tin của nhân dân với các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương.

Nguyễn Cường (TTXVN)
Huyện nghèo Mường La tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới
Huyện nghèo Mường La tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Mường La là huyện nghèo của tỉnh miền núi Sơn La, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Vì vậy, huyện gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN