Học và làm theo gương Bác, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cư M’Gar (tỉnh Đắk Lắk) đã tích cực chăm lo cho đồng bào các dân tộc, thiếu nhi nghèo trên địa bàn bằng những việc làm thiết thực từ các mô hình tiết kiệm hiệu quả.
Mỗi ngày 1.000 đồng
Xã Quảng Hiệp là địa phương đầu tiên của huyện Cư M’Gar triển khai mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm”. Mô hình này được triển khai tại xã vào năm 2011, vận động cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn mỗi ngày tiết kiệm 1.000 đồng bỏ vào heo đất. Sau hơn 10 năm mô hình nuôi heo đất đã tiết kiệm được gần 2 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới 27 nhà Đại đoàn kết và trao tặng 84 cặp dê sinh sản cho gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn xã.
Gia đình anh Lê Đồng Tâm, thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’Gar) là hộ nghèo trong nhiều năm của xã vì có nhiều khẩu, không có đất sản xuất, vợ chồng anh không có nghề nghiệp ổn định. Năm 2014, từ nguồn tiết kiệm của mô hình nuôi heo đất, gia đình anh Tâm được xã hỗ trợ một căn nhà Đại đoàn kết trị giá 30 triệu đồng. Năm 2017, gia đình anh Tâm tiếp tục được xã hỗ trợ 2 con dê giống. Hiện nay, cặp dê đã sinh thêm 16 dê con, giúp gia đình ổn định kinh tế và thoát nghèo.
Theo anh Tâm, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” của xã là việc làm ý nghĩa, mang lại phúc lợi lớn, giúp gia đình anh cùng nhiều hộ nghèo khác ổn định nơi ăn chốn ở và có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Tương tự gia đình anh Tâm, gia đình anh Phạm Ngọc Quý (cùng thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp) cũng là hộ nghèo nhiều năm của xã.
Anh Quý bị ốm đau nên không làm được việc nặng từ nhiều năm nay, nên gánh nặng gia đình dồn vào đôi vai người vợ với công việc làm thuê. Năm 2019, gia đình anh Quý được xã hỗ trợ một cặp dê giống. Hiện nay, cặp dê đã sinh sản 8 đê con. “Việc nuôi dê nhàn hơn so với các con vật khác vì tận dụng được thời gian rảnh rỗi, tận dụng cỏ và nguồn thức ăn tại chỗ, ít rủi ro về dịch bệnh và đầu ra. Do đó, việc hỗ trợ cặp dê giống từ nguồn tiết kiệm được là việc làm ý nghĩa của xã, là động lực để gia đình chăn nuôi, phát triển kinh tế, nuôi 4 con ăn học”, anh Quý chia sẻ.
Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” của xã Quảng Hiệp được bắt nguồn từ câu chuyện của một cựu chiến binh trên địa bàn xã. Ngày 17/10/2010, xã Quảng Hiệp phát động cán bộ, nhân dân đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo”, một cựu chiến binh mang heo đất lên đập và lấy toàn bộ số tiền tiết kiệm được để ủng hộ quỹ. Nhận thấy đây là việc làm hay, xã đã nhân rộng cho cán bộ, nhân dân tham gia với tinh thần tự nguyện.
Năm 2011, toàn xã nuôi được 34 con heo đất với số tiền tiết kiệm được 17 triệu đồng. Xã đã dùng số tiền này cùng với nguồn tiền của Quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ căn nhà Đại đoàn kết cho một gia đình chính sách. Từ đó đến nay, phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm” trên địa bàn xã ngày càng lan tỏa, sôi nổi và rộng khắp. Hằng năm, cứ đến ngày 18/11 thì cán bộ, công nhân viên và nhân dân lại hào hứng mang heo đất lên hội trường UBND xã để tham gia “Ngày hội đập heo đất”, lấy nguồn tiền chăm lo cho những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn.
Theo ông Hoàng Mạnh Quân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Quảng Hiệp, trong việc sử dụng nguồn tiền từ mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm”, xã công khai, minh bạch, thông báo thu và chi trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở cho nhân dân biết. Bên cạnh đó, từ số tiền tiết kiệm được, xã hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ cây/con giống cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Cán bộ, nhân dân trên địa bàn xã thấy việc làm ý nghĩa nên tiếp tục hưởng ứng, hăng hái nuôi heo đất, có nhiều hộ đồng hành cùng mô hình tiết kiệm của xã đã hơn 10 năm nay.
Tiết kiệm hơn 13 tỷ đồng
Từ việc làm cụ thể và hiệu quả của xã Quảng Hiệp, năm 2012, Huyện ủy Cư M’Gar phát động, vận động cán bộ, công nhân, viên chức tiết kiệm mỗi ngày 1.000 đồng để hỗ trợ xây nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, 100% tổ chức cơ sở đảng trên toàn huyện với hơn 5.000 đảng viên tham gia mô hình. Sau 10 năm, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” của huyện Cư M’Gar thu được hơn 13 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới 344 nhà Đại đoàn kết cho hộ khó khăn về nhà ở.
Theo ông Nguyễn Thiên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cư M’Gar, bên cạnh việc hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, từ nguồn tiền của phong trào nuôi heo đất, năm 2020, huyện đã xây mới 14 công trình vệ sinh trong các phân hiệu trường học ở thôn, buôn có đông học sinh dân tộc thiểu số. Ngoài ra, trong phong trào học tập và làm theo Bác, huyện còn thực hiện khâu đột phá đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng tác phong làm việc khoa học và sâu sát cơ sở, đoàn kết nội bộ để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Mô hình nuôi heo đất trên, phong trào làm theo Bác và thực hành tiết kiệm tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Cư M’Gar ngày càng thực chất và hiệu quả. Trong ngành giáo dục có các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai và Trường Tiểu học A Ma Trang Lơng (xã Cư M’Gar) với phong trào “ba đủ”, thành lập quỹ giúp đỡ học sinh nghèo có đủ quần áo, đủ sách vở, đủ học phí đến trường. Các giáo viên Trường Mẫu giáo xã Cư M’Gar lập quỹ hỗ trợ học sinh nghèo suất ăn trưa bán trú tại trường (hơn 2 triệu đồng/tháng). Từ năm 2016 đến nay, các giáo viên Trường Trung học Phổ thông Trần Quang Khải tổ chức 300 tiết phụ đạo, 100 tiết dạy miễn phí cho học sinh dân tộc thiểu số…
Từ năm 2016 đến nay Đảng ủy Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’Gar đã vận động cán bộ, chiến sỹ quyên góp hơn 130 triệu đồng hỗ trợ vốn, cây/con giống giúp nhân dân phát triển kinh tế. Các công ty nông trường vận động công nhân chăm sóc tốt vườn cà phê, cao su theo đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện tiết kiệm trong sản xuất, làm tốt công tác nhân đạo từ thiện. Nông trường cao su Cuôr Đăng đã hỗ trợ, xây dựng 25 nhà Mái ấm công đoàn cho công nhân lao động nghèo, hỗ trợ 16 gia đình vay vốn để nuôi bò sinh sản.
Ông Nguyễn Tấn Chờ, Thôn trưởng thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’Gar, cho biết, học tập và làm theo gương Bác, bản thân ông không chỉ thực hành tiết kiệm, giúp đỡ người nghèo mà hàng tuần còn tham gia hoạt động của nhóm “Bếp ăn tình thương” do Hội Chữ thập đỏ huyện thành lập, để nấu và phát cháo cho bệnh nhân ở bệnh viện huyện. Đồng thời, ông Chờ tích cực hiến máu cứu người với 37 lần đã hiến, đăng ký hiến mô và nội tạng để giúp đỡ người bệnh.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cư M’Gar Nguyễn Thiên cho biết, trong năm 2021 huyện phấn đấu hoàn thành việc xây mới và sửa chữa các công trình vệ sinh trường học trên địa bàn; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công ở mức độ 3 - 4 để phục vụ tốt cho nhân dân.
Trong thời gian tới huyện tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực của các phong trào tiết kiệm để có thêm nguồn lực trợ giúp những địa chỉ khó khăn; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đặc biệt, huyện tăng cường, tuyên truyền về mô hình hay, cách làm mới, gương điển hình về học tập và làm theo Bác.
Với cách làm hợp lý, công khai, minh bạch, phong trào thực hành tiết kiệm theo Bác trên địa bàn huyện Cư M’Gar đã mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ đúng đối tượng, được nhân dân và các đơn vị, địa phương hưởng ứng nhiệt tình.
Từ việc làm đơn giản “mỗi ngày tiết kiệm 1.000 đồng”, phong trào tiết kiệm của huyện đã mang đến niềm vui cho nhiều người, thêm những ngôi nhà thơm mùi ngói mới, thêm áo ấm cho người nghèo trong mùa Đông giá lạnh và giúp trẻ em 25 dân tộc anh em trên địa bàn thêm điều kiện để cắp sách đến trường.