Lên rừng - xuống biển: Đi và viết để thích ứng với sự chuyển mình của tòa soạn

24 năm làm ở cơ quan Thông tấn xã Việt Nam thì tôi có hơn nửa thời gian công tác tại báo Tin tức. Thời gian làm báo của tôi chưa nhiều như các cô chú, anh chị, các bạn đồng nghiệp, nhưng tôi có cơ duyên chứng kiến những bước chuyển mình của Tin tức. Để đáp ứng yêu cầu thông tin của báo, những chuyến công tác “lên rừng - xuống biển” với tôi là những trải nghiệm nghề với nhiều dấu ấn không thể quên.

Chú thích ảnh
Tác giả (ngoài cùng bên phải) tác nghiệp ở Trường Sa tháng 5/2022.

Đến với những bản làng xa xôi

Kết thúc nhiệm kỳ thường trú ở ba tỉnh Phú Thọ, Điện Biên, Yên Bái, cuối năm 2008, tôi được điều động về Hà Nội và về công tác ở báo Tin tức nên có điều kiện được đi đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tôi được đến các vùng biên giới, rồi vươn tới cả hải đảo xa xôi lấy tư liệu viết tin, bài. Quãng thời gian này đã giúp tôi tích lũy thêm kinh nghiệm sống, trưởng thành hơn trong nghề làm báo. 

Ngày đó, tôi được Ban biên tập báo tin tưởng giao "đứng" trang Dân tộc và miền núi, khi báo Tin tức hàng ngày đã tham gia Chương trình 975 (Chương trình 975 là gọi theo Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 20/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn) nên các chuyến công tác vùng sâu, vùng xa của tôi càng nhiều. 

Năm 2016, tòa soạn Tin tức triển khai thực hiện chuyên đề Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ trên báo Tin tức Cuối tuần (nay là Tuần Tin tức). Đây là một dấu ấn quan trọng của báo Tin tức, đồng thời cũng để lại nhiều kỷ niệm với cá nhân tôi. Tôi được phân công thực hiện chuyên đề này, và việc quan hệ, kết nối với “3 Tây” đã giúp tôi được tiếp xúc nhiều hơn với 3 Ban Chỉ đạo (Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ ngày ấy). Tờ báo Tuần Tin tức như “lột xác” bởi sau khi có Thỏa thuận hợp tác giữa TTXVN và 3 Ban Chỉ đạo, số lượng phát hành tăng lên tới 4,5 vạn bản/số báo. 

Để đáp ứng số lượng chuyên đề ngồn ngộn thông tin ấy, nhiều chuyến công tác của tôi như con thoi, nay vùng này, tháng sau vùng kia… và cứ như thế tôi có điều kiện đến với bà con đồng bào dân tộc, chiến sĩ biên phòng nơi biên giới nhiều hơn, giúp tôi trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và vốn sống, trưởng thành và nhanh nhậy hơn khi tác nghiệp.

Công việc vất vả, điều kiện tác nghiệp khó khăn, nhất là phải làm quen với cách làm báo thời sự, nhưng với trách nhiệm và sự “say nghề”, tôi luôn ưu tiên thời gian học hỏi, làm quen công việc và đi thực tế đến các bản làng vùng cao để được “tận mắt thấy”, “tận tai nghe” gặp gỡ, trao đổi cùng nhân vật. 

Trong những năm qua, mỗi bước chuyển mình, nâng cao chất lượng thông tin của báo Tin tức, đều đòi hỏi chúng tôi phải thay đổi cách tác nghiệp để đáp ứng yêu cầu. Những chuyến đi công tác xa nhà, dài ngày, dù vất vả nhưng thật đáng giá. Phát huy mối quan hệ sẵn có những năm thường trú ở Tây Bắc, tôi đã kết nối, thông tin nắm chắc cơ sở, tìm hiểu những thế mạnh địa phương, lấy tư liệu viết tin bài. Những năm 2016 - 2019, chuyên đề trên báo Tuần tin tức như một Kênh thông tin của 3 Ban chỉ đạo Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ, tôi có dấu ấn rất sâu sắc và được nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân 3 vùng chiến lược biết tới.

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm lý thú, vừa bổ ích với chính mình vừa để cống hiến. Qua những chuyến đi ấy, vốn kiến thức về cơ sở trong tôi cũng dầy lên theo năm tháng. Mỗi "ngày đàng" một "sàng khôn". Thấm nhuần điều ấy nên tôi luôn trong tư thế sẵn sàng khi cơ quan, tòa soạn yêu cầu là... lên đường.

Lênh đênh trên biển đến với các chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển

Biển đảo là một mảng thông tin quan trọng trên báo Tin tức. Đặc biệt sau sự kiện đầu tháng 5/2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép vào vùng biển của Việt Nam, báo Tin tức đã triển khai xây dựng chuyên trang "Biển và Hải đảo Việt Nam" trên báo Tin tức Cuối tuần (nay là Tuần Tin tức) và chuyên mục "Biển đảo" trên báo Tin tức điện tử với nhiều nội dung phong phú.

Các chuyên trang, chuyên mục này được thực hiện đều đặn chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là an ninh quốc phòng tại các địa phương có biển và hải đảo nước ta. Góp phần thực hiện chiến lược quốc phòng toàn dân; củng cố mối quan hệ quân dân và khẳng định vai trò, nhiệm vụ cao cả của Hải quân nhân dân Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam...

Từ khi chuyên trang, chuyên mục Biển đảo được triển khai đều đặn trên báo, tôi may mắn đã 3 lần được đến Trường Sa tác nghiệp, và mỗi chuyến đi đều để lại nhiều cảm xúc khó quên. Tôi đến với các chiến sĩ Hải quân ở Trường Sa hay những chiến sĩ Cảnh sát biển cũng như nhiều nhà báo sau này, khi “con đường đã định”, “lối đi đã mòn”. Và tôi đã chọn cho mình một cách đi khác, với tả thực, kể thật... bằng ngôn từ, bằng hình ảnh, bằng suy tư. 

Với người lính Hải quân đang công tác ở Trường Sa và những chiến sĩ Cảnh sát biển đang thực thi pháp luật trên biển, sống và bảo vệ Trường Sa, đó vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm của người lính Cụ Hồ...

Với tôi, biển đảo Việt Nam nói chung, đặc biệt Trường Sa, thực sự là một "kho tàng" phong phú, sinh động, thiêng liêng, bí ẩn để khám phá, “sản sinh” ra những tác phẩm báo chí đáng đọc. Tôi còn nhớ kỷ niệm khi thực hiện Megastory "Biển đảo - Phần máu thịt thiêng liêng", lúc tôi phỏng vấn Đại tá Nguyễn Hưng, nguyên Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, BTL Vùng 4 Hải quân, anh đã rưng rưng nước mắt nhắc đến 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh nằm lại với biển khơi trên đá Gạc Ma.

Mỗi chuyến đi Trường Sa như thế, tôi chỉ là "người ghi chép" về cuộc sống của những chiến sĩ Hải quân điểm xuyết cờ thắm giữa “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma, hay những người lính Cảnh sát biển can trường giữa thời bình đang ngày đêm thực thi pháp luật trên biển, đấu tranh với các loại tội phạm.

Những chuyến đi biển dài ngày, lắc lư qua bao con sóng không làm tôi nản chí, để rồi sau những chuyến hải trình ấy là các tác phẩm báo chí được ra đời toát lên những mặn mòi của biển cả, giàu hình ảnh, chất lính. 

Đến nay, thông tin về biển và hải đảo Việt Nam trên báo Tin tức ngày một dày dặn và khởi sắc. Báo Tin tức đã xây dựng chuyên mục Biển đảo Việt Nam; trong đó có các tiểu mục cũng rất thiết thực, đó là: Bảo vệ chủ quyền, Kinh tế biển đảo, Hỏi đáp Luật Cảnh sát biển Việt Nam... qua đó góp phần vào thành công trong công tác tuyên truyển bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đạt được mục đích, yêu cầu của Đề án tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó mối quan hệ thân thiết giữa phóng viên báo Tin tức với lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển ngày càng khăng khít, bền chặt.

Đánh giá về sự phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền về biển đảo, trong đó có lực lượng Cảnh sát biển, Trung tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) cho rằng, công tác phối hợp tuyên truyền về lực lượng CSBVN của báo Tin tức trong thời gian qua rất chặt chẽ và hiệu quả. Báo Tin tức đã thường xuyên, chủ động cử cán bộ, phóng viên, biên tập viên làm việc với các cơ quan, đơn vị của CSBVN; trao đổi những nội dung, phương pháp, cách thức tuyên truyền về lực lượng CSBVN.

“Cán bộ, phóng viên, biên tập viên khi được phân công làm việc với CSBVN, chúng tôi cảm nhận được ở các đồng chí rất có trách nhiệm, tích cực, chủ động, không ngại khó. Đồng cam, cộng khổ, luôn sát cánh, đồng hành với cán bộ, chiến sĩ CSBVN trong việc ghi hình, chụp ảnh, xây dựng các phóng sự, viết bài, đưa tin, tuyên truyền rất nhanh, chính xác về các hoạt động của CSBVN… qua đó góp phần xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ CSBVN trong lòng nhân dân”, Trung tướng Bùi Quốc Oai nhận xét.

Chú thích ảnh
Hai cuốn "Cờ thắm giữa biển xanh" xuất bản năm 2020 và "Điểm tựa xanh biên cương" xuất bản năm 2023 tập hợp từ những bài báo đã in trên báo Tin tức.

Kỷ niệm những năm tháng làm báo Tin tức, tôi đã tập hợp các tác phẩm báo chí và tự in sách, đánh dấu sự nghiệp phóng viên. Đó là hai cuốn “Cờ thắm giữa biển xanh” xuất bản năm 2020 và “Điểm tựa xanh biên cương” xuất bản năm 2023. Những tác phẩm báo chí tôi viết và được in trong hai cuốn sách này thể hiện cuộc sống bình dị của những người lính nơi hải đảo xa xôi hay trên biên cương nơi tuyến đầu Tổ quốc. Chính những người lính can trường đã là chất liệu tuyệt vời để tôi viết nên những tác phẩm báo chí tâm đắc.

Clip tác nghiệp tại xã đảo Thổ Châu do đồng nghiệp ghi lại:

 

Nguyễn Viết Tôn/Báo Tin tức
Ra mắt bộ sách tranh 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'
Ra mắt bộ sách tranh 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Bộ sách tranh "Trường Sa! Biển ấy là của mình" vừa ra mắt bạn đọc cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN