Thông tin trên được ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông cho biết tại buổi họp báo thông tin về Đại lễ, diễn ra chiều 22/8.
Theo ông Lê Kim Thành, ở Việt Nam, mỗi ngày có hơn 30 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống, cùng với hàng trăm người bị thương tật suốt đời. Điều đó đồng nghĩa với mỗi ngày có hàng trăm gia đình phải gánh chịu sự mất mát, đau thương. Những di chứng mà mỗi tai nạn giao thông để lại luôn kéo dài và không thể lường hết được, khiến xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng. Thêm vào đó, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng để khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông hàng năm. Điều đó đe dọa đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè quốc tế.
Thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng nhiều hành động mạnh mẽ và những cam kết xã hội, chúng ta đang làm mọi cách để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, theo đó là giảm thiểu số người chết và bị thương. Tuy nhiên, Nhà nước, các tổ chức xã hội, các đoàn thể và từng cá nhân cần tiếp tục chung tay hành động và hành động một cách quyết liệt hơn nữa.
Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông nằm trong kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về bảo đảm an toàn giao thông năm 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông”, phù hợp với Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, hưởng ứng “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” hàng năm; là một trong những hoạt động chính của Chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục, vận động “tăng, ni, Phật tử tham gia bảo đảm, trật tự an toàn giao thông” giữa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Với tinh thần “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024.
Chương trình Đại lễ bao gồm phần nghi lễ cầu siêu và lễ hành chính, dâng hương; diễn ra vào các ngày 30 và 31/8, tại chùa Từ Đàm. Đây là một sự kiện đặc biệt, là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông. Đại lễ cũng là một cơ hội nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng… về tầm quan trọng của việc phải chủ động góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho mình và cho cộng đồng; đồng thời làm cho phong trào “Tăng, ni, Phật tử tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” trở thành phong trào rộng khắp cả nước, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và thiệt hại do tai nạn giao thông.
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Giáo hội đều ký kết chương trình phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong việc tuyên truyền cho tăng, ni, Phật tử và người dân thực hiện tốt pháp luật về giao thông, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Mới đây, Giáo hội đã ký kết chương trình phối hợp với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông) để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này và triển khai tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố để phối hợp với Ban An toàn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, lan tỏa ý thức tuân thủ pháp luật giao thông.
Cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, số người tử vong do tai nạn giao thông giảm nhưng số vụ không giảm như mong muốn, Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ, hệ lụy do tai nạn giao thông vô cùng lớn cho gia đình nạn nhân, ảnh hưởng tới tương lai trẻ thơ và ảnh hưởng về mặt kinh tế - xã hội. Tai nạn giao thông không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của cả thế giới, vì vậy, Liên hợp quốc đã quyết định có ngày Tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.
Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024 với chủ đề “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” là một nghĩa cử mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bày tỏ sự chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ. Qua đó, gửi đến toàn xã hội lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu do tai nạn giao thông.
“Với Phật giáo, tháng Bảy là tháng Vu lan báo hiếu. Trong Phật giáo có thông điệp, chúng ta ý thức với sinh mạng của mình chính là chúng ta báo hiếu với tổ tiên, đem lại tương lai cho con cháu chúng ta chính là trách nhiệm của mỗi người”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, công tác chuẩn bị cho Đại lễ đã được thực hiện chu đáo. Đàn lễ được chuẩn bị công phu, nghiêm mật, mời các chư tôn đức trưởng lão, Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội để hồi hướng công đức cho các nạn nhân. Trong chương trình sẽ có phần tặng quà hỗ trợ cho các gia đình nghèo, trẻ em mồ côi có bố, mẹ tử vong do tai nạn giao thông trong năm 2024.