Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thị trấn Thường Xuân, huyện miền núi Thường Xuân, Thanh Hóa có công suất 1.500 m3/ngày đêm, cấp nước cho 666 hộ dân và một số hộ dân thôn Hòa Lâm, xã Ngọc Phụng. Sau nhiều năm sử dụng, nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp, tường nứt, sụt lún, không đáp ứng đủ nhu cầu cấp nước cho người dân.
Ông Hồ Sỹ Hiếu, khu 2, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân cho biết, mấy năm nay gia đình tôi đều dùng nguồn nước máy này, tuy nhiên thời gian gần đây, nhà máy liên tục gặp sự cố nên việc cấp nước không được thường xuyên. Để đảm bảo nguồn nước gia đình phải đầu tư mua bể chứa, thiết bị lọc… "Mong muốn các cấp chính quyền quan tâm tu sửa hoặc đầu tư xây dựng mới để người dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh", ông Hiếu nói.
Huyện Thường Xuân hiện có 11 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư từ các chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình 134 của Thủ tướng về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn và Quyết định số 135/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135). Cùng đó là nguồn tài trợ của một số tổ chức phi chính phủ đã và đang góp phần giải quyết vấn đề khó khăn về nguồn nước sinh hoạt cho đồng bào địa phương.
Tuy nhiên, do các công trình được giao cho thôn, bản quản lý, không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa nên nhiều công trình đã xuống cấp, ngừng hoạt động hoặc hiệu quả không cao.
UBND huyện Thường Xuân đã và đang nỗ lực huy động nguồn lực, lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình để sửa chữa, bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung xuống cấp, ngừng hoạt động.
Song do nguồn vốn của các chương trình hạn chế nên việc huy động, bố trí nguồn kinh phí sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung gặp nhiều khó khăn.
Ông Vi Nguyên Huynh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân cho biết, các công trình sinh hoạt tại các xã đều bị hư hỏng do ý thức bảo quản và nguồn sinh thủy không còn. Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao, nhưng cả thị trấn Thường Xuân và một số xã lân cận chỉ có 1 công trình cấp nước tập trung ở thị trấn. Qua quá trình sử dụng nhiều năm không được duy tu, sửa chữa nên hiện nhiều hạng mục đã xuống cấp. Huyện đưa ra giải pháp kêu gọi đầu tư xây dựng 1 nhà máy nước mới tại địa điểm khác và lấy nguồn nước từ hồ Cửa Đạt, hy vọng dự án sớm được triển khai.
Từ Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hóa được đầu tư 88 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với 729 bể chứa nước. Tuy nhiên, có đến 355 bể chức nước đã bị hư hỏng hoàn toàn, số còn lại đều trong tình trạng hỏng một số bộ phận không có khả năng tích nước, hoặc dẫn nước kém… Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua ống lấy nước trực tiếp từ mó nước, hoặc góp tiền khoan giếng và mua máy lọc nước về sử dụng.
Ông Hà Văn Hiệu, bản Pọng-Kame, xã Phú Nghiêm, Quan Hóa cho biết, các công trình nước sạch hư hỏng từ năm 2019, một số bể chứa nước bỏ hoang, không có nước, người dân tận dụng làm nơi chứa đồ. Để có nước sinh hoạt, người dân phải đầu tư đường ống dẫn nước từ các mó, suối trên rừng về dùng. Tuy nhiên, đường ống nước hay bị trục trặc và bị vỡ nên việc kéo nước về gặp nhiều khó khăn, trong khi lượng nước không đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, cần sớm sữa chữa để người dân có nguồn nước sinh hoạt.
Theo bà Hà Thị Nga, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quan Hóa, nguyên nhân các công trình cấp nước xuống cấp, hư hỏng là do đặc thù vùng núi gần sông suối, hằng năm gánh chịu các đợt thiên tai bão, lũ ống, lũ quét. Bên cạnh đó, các công trình cấp nước tự chảy tại miền núi (chủ yếu là quy mô thôn, bản) có số lượng nhiều, nhưng quy mô nhỏ, công nghệ đơn giản, giao cho UBND xã quản lý và được UBND xã giao cho tổ quản lý vận hành (thường là trưởng hoặc phó thôn, bản), chỉ được tập huấn quản lý vận hành và làm việc kiêm nhiệm nên hiệu quả không cao.
“Thời gian tới kiến nghị cấp trên quan tâm đầu tư, sửa chữa các công trình cấp nước đã hư hỏng, xuống cấp, tạo điều kiện cho người dân miền núi được sử dụng nước sạch”, bà Hà Thị Nga đề nghị.
Để bảo đảm người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hàng ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước nông thôn tập trung, nhất là tại các huyện miền núi và khu vực khó khăn về nguồn nước.
Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện tiếp tục rà soát, xây dựng đề án sửa chữa, nâng cấp các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp. Cùng với đó, cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện sửa chữa, khắc phục các công trình hoạt động kém hiệu quả nhằm bảo đảm mục tiêu cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn cho người dân theo chiến lược mà tỉnh đã ban hành.