Do đường sá xa xôi, khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi, đặc biệt là phụ nữ mang thai còn hạn chế. Nhiều chị em không khám thai định kỳ. Sự việc sản phụ H.T.G (39 tuổi, xã Trà Xinh, huyện Trà Bồng) bị vỡ tử cung sau khi tự sinh con tại nhà vào ngày 6/10/2024 là một trường hợp điển hình cho sự nguy hiểm khó lường khi không đến cơ sở y tế sinh con. Chị G may mắn được các y, bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cấp cứu kịp thời, thoát khỏi cửa tử.
Chị Đinh Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trà Xinh (huyện Trà Bồng) cho biết, nguyên nhân chính khiến phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi mang thai không đi khám thai thường xuyên và tự sinh con tại nhà là do điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá xa xôi, chủ quan khi mang thai lần 2, lần 3, nhận thức còn hạn chế... Năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã nhiều lần tuyên truyền, khuyến cáo chị em đang mang thai nên đến cơ sở y tế khám, sinh con. Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn hạn chế, dẫn đến trường hợp nguy hiểm đến tính mạng như chị G.
Các bên liên quan đã rà soát, tuyên truyền, vận động chị em đến cơ sở y tế để sinh con. Đặc biệt, trong các đợt triển khai chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm chủng, cán bộ y tế luôn tuyên truyền, tư vấn các vấn đề liên quan đến chăm sóc phụ nữ mang thai và sự cần thiết phải đến cơ sở y tế để sinh con.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trà Bồng Hồ Thị Thủy cho hay, để góp phần nâng cao nhận thức cho phụ nữ, Hội đã đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động phụ nữ đến cơ sở y tế sinh con và tập huấn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe, khám, theo dõi sức khỏe định kỳ cho trẻ trong vòng 2 năm đầu đời... Đồng thời, thông qua Dự án 8 (1 trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030), Hội triển khai 4 gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Qua đó, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Nhờ đó, nhiều phụ nữ đã được tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn, góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong cho mẹ và con ngay từ khi mang thai, trong khi đẻ và suốt thời kỳ hậu sản.
Ngoài việc được các cán bộ hướng dẫn đến cơ sở y tế để khám thai định kỳ và sinh đẻ an toàn, chị Phạm Thị Nhung (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) còn được hỗ trợ gói chính sách sinh đẻ an toàn của Dự án 8 là 2,8 triệu đồng. Chị còn được hỗ trợ kinh phí dinh dưỡng, kinh phí tầm soát một số bệnh bẩm sinh cho trẻ sơ sinh... “Đứa đầu, tôi tự sinh tại nhà. Đến đứa thứ 2, được các cán bộ tuyên truyền, tiếp cận gói chính sách hỗ trợ sinh đẻ an toàn, tôi mạnh dạn đến cơ sở y tế để sinh. Sau sinh, sức khỏe của tôi hồi phục rất nhanh. Con tôi cũng được theo dõi, chăm sóc tốt, được hướng dẫn tiêm các loại vaccine. Vợ chồng tôi quyết định chỉ sinh 2 con để có điều kiện chăm lo cho các cháu và tập trung phát triển kinh tế gia đình”, chị Nhung chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích, việc đảm bảo tất cả phụ nữ có thể tiếp cận bình đẳng các dịch vụ y tế chất lượng trong quá trình mang thai và sinh con là một thách thức rất lớn đối với địa phương. Bởi, huyện Ba Tơ có hơn 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều thôn, xóm nằm sâu trong núi, đường sá đi lại rất khó khăn, nhận thức của đồng bào một số nơi còn hạn chế. Trước thực trạng đó, huyện đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, cải thiện tình trạng tiếp cận dịch vụ y tế của phụ nữ; đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Huyện đã chỉ đạo y tế địa phương phối hợp các đoàn thể đẩy mạnh truyền thông, tư vấn để phụ nữ mang thai đến cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, nhất là các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức từ bỏ những phong tục lạc hậu, hủ tục.
Nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã có chuyển biến tích cực. Trước năm 2015, tỷ lệ sinh con tại nhà của phụ nữ các huyện miền núi là hơn 20%, thì trong 9 tháng năm 2024 chỉ còn 5%. Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Tấn Đức cho rằng, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác xã hội hóa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng cho cán bộ y tế trực tiếp làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các tuyến cơ sở. Ngành tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các Hội, đoàn thể để vận động và hỗ trợ các bà mẹ mang thai, chú trọngbà mẹ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến sinh tại các cơ sở y tế để phòng tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra.