Báo Tin tức Buổi chiều – Ánh hào quang rực rỡ
Những năm đầu thập niên 90, khi mà mạng internet và công nghệ thông tin chưa phát triển vũ bão như bây giờ, những dòng tin phát hành vào buổi chiều của báo Tin tức - lúc ấy có tên gọi là Tin tức Buổi chiều - có sức sống thật mãnh liệt. Tất cả những tin tức trong nước diễn ra buổi sáng và những tin tức nước ngoài, đặc biệt là tin tức từ châu Âu diễn ra chiều và tối hôm trước, mà do chênh lệch múi giờ, các báo phát hành buổi sáng không kịp đưa tin, sẽ là những món ăn chính “độc, mới, lạ” của Tin tức Buổi chiều.
Tuy không được chứng kiến dòng người dân xếp hàng trước cửa Phòng Phát hành của TTXVN – số 5 Lý Thường Kiệt để chờ mua báo Tin tức Buổi chiều đọc sự kiện Liên Xô tan rã tháng 12/1991 (do tôi chính thức trở thành phóng viên Tin tức Buổi chiều từ cuối năm 1994), nhưng trong ký ức của tôi là hình ảnh người dân tranh mua báo tại các sạp báo nằm góc ngã tư Lý Thường Kiệt – Phan Huy Chú để xem kết quả các trận bóng đá tranh giải châu Âu.
Trang Văn hóa Thể thao (trang 4-5) với các bài dịch mô tả chi tiết từng trận bóng của nhà báo Minh Thảo – Ban biên tập tin thế giới luôn “nóng rẫy” ở tay giữa, mở báo ra là thấy ngay. Không những thế, với các trận độ hot cao, kết quả còn được đưa ra cả trang 1, đôi lúc thông tin còn ngập tràn cả trang 8, cùng nhiều tin tức thời sự quốc tế nóng bỏng khác. Với mảng tin trong nước, Tin tức Buổi chiều cũng giữ vững vị trí đi đầu với những thông tin về các sự kiện thời sự diễn ra buổi sáng.
Là phóng viên Phòng Kinh tế - Chính trị, tôi được phân công theo dõi đưa tin hoạt động một số kỳ họp Quốc hội khóa IX (1992 - 1997), khóa X (1997 - 2002), khóa XI (2002 - 2007). Tôi còn nhớ như in các buổi sáng xách máy tính chạy đến phòng dành cho phóng viên ở khu vực Vườn hồng (nằm trên đường Bắc Sơn, là sân sau của Nhà Quốc hội cũ) ngồi theo dõi phiên họp diễn ra tại Hội trường, chờ đến khoảng gần 10 giờ là giờ giải lao, các đại biểu Quốc hội ra khu vực Vườn hồng nghỉ ngơi, uống trà thì tranh thủ phỏng vấn xin ý kiến làm sâu, rõ thêm các vấn đề được nêu tại hội trường.
Khi các đại biểu quay trở lại phiên họp thì cũng là lúc tôi phải gấp rút hoàn thiện bản tin về Quốc hội gồm các thông tin diễn ra tại Hội trường sáng ngày hôm ấy cùng ý kiến phỏng vấn các đại biểu Quốc hội bên lề. Bản tin khoảng hơn 1.000 chữ bắt buộc phải được gửi về tòa soạn qua email chậm nhất trước 11 giờ 30 phút (hồi ấy chưa có CMS để nhập tin luôn vào hệ thống). Ở “nhà” sẽ thao tác các việc còn lại như biên tập, chọn ảnh của phóng viên ảnh được phân công theo dõi Quốc hội thuộc Ban Ảnh, trình duyệt Tổng Biên tập để kịp mang nhà in trước 12 giờ, đảm bảo ra sạp trước 13 giờ hàng ngày. Vì tính thời sự cao và thời gian sản xuất ngắn nên đưa tin về Quốc hội phải đảm bảo tính chính xác, trung thực, gần như không được phép sai sót. Và những người làm báo "Tin chiều" lúc ấy đã làm được điều đó. Chưa có bản tin nào đưa tin về Quốc hội bị phê bình về độ chính xác hay tính thiếu chuyên nghiệp của người làm báo.
Báo Tin tức và những bước chuyển mình đầu tiên theo hướng thị trường
Tháng 11/1998, Tổng giám đốc TTXVN ra Quyết định hợp nhất tòa soạn Tuần Tin tức và Tin tức Buổi chiều thành báo Tin tức gồm tờ Tin tức phát hành buổi chiều hàng ngày và cuối tuần. Với những phóng viên trẻ như chúng tôi ngày ấy, tờ báo như được tiếp thêm sức mạnh vì ngoài ấn phẩm phát hành hàng ngày, sẽ có thêm tờ báo tuần chuyên sâu, làm nổi bật các vấn đề mà tờ báo hàng ngày chạy theo thời sự chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, theo sự phân công của tòa soạn, nhiệm vụ chính của tôi vẫn là sản xuất tin bài cho báo Tin tức phát hành buổi chiều hàng ngày.
Đây cũng là thời điểm các tờ báo bước đầu có hơi hướng kinh tế báo chí. Ban biên tập Báo Tin tức cũng dần thay đổi mình. Các loạt bài chuyên sâu, luận bàn, các phóng sự điều tra, chống tiêu cực được dành đăng trên Tin tức Cuối tuần. Với tờ Tin tức hàng ngày, bên cạnh dòng thông tin thời sự, các năm từ năm 2000 đến năm 2003, báo lần lượt ra mắt các phụ trang mang màu sắc thị trường nhưng nhẹ nhàng, dung dị, thu hút sự quan tâm của bạn đọc như phụ trang Âm sắc thị trường gồm các thông tin về kinh tế, thị trường tiêu dùng…; phụ trang Kết nối gồm các thông tin về công nghệ thông tin, các sản phẩm mới; phụ trang Nhịp sống, Điểm hẹn gồm các thông tin về văn hóa giải trí như ăn gì, chơi gì, xem gì, ở đâu…; phụ trang Hành tinh xanh gồm những tin tức chuyện độc, lạ trên thế giới… Các phụ trang không chỉ góp phần làm cho tờ báo thêm dày dặn mà còn bước đầu mang lại nguồn thu cho báo, thu hút được bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ.
Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất tin bài thời sự cho trang báo chính, tôi được phân công sản xuất tin bài cho trang Âm sắc thị trường và Kết nối. Với một phóng viên trẻ mới ra trường ít năm, các phụ trang ấy đã giúp tôi gắn bó với doanh nghiệp hơn, hiểu hơn được mong muốn của doanh nghiệp và sau này là hành trang giúp tôi trở thành một nhà báo chuyên viết về kinh tế.
Tôi cũng có ấn tượng sâu sắc về sự chuyển mình của báo Tin tức khi ấy bắt đầu sản xuất theo “đơn đặt hàng” của Thông tấn xã, với việc nhận sản xuất một loạt bài cho sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Giơ ne vơ (20/7/1954 - 20/7/2004) tại vùng đất thép Quảng Trị.
Tôi đã có chuyến đi công tác dài hơn 10 ngày cùng nhà báo Trần Quang Vinh – lúc đó là Trưởng phòng Phóng viên – tại các vùng đất Gio Linh, Vĩnh Linh, đảo Cồn Cỏ, Vịnh Mốc, bờ Hiền Lương… để thực hiện tuyến bài này, viết về sự hồi sinh của vùng đất sau 50 năm bom đạn cày xới, viết về những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những chiến sĩ – những người anh hùng thầm lặng ngày đêm vẫn đang rà phá bom mìn; những nạn nhân chiến tranh… Đó là những kỷ niệm không thể nào quên của những năm tháng tuổi trẻ làm phóng viên báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam. Ngày ra đảo Cồn Cỏ để viết về cuộc sống của người lính trên đảo, gặp đúng hôm biển động, dù đã uống thuốc chống say nhưng tôi vẫn say mướt, lên đảo cả nửa ngày sau mới hồi sức để có thể nhảy chân sáo đi khắp nơi phỏng vấn lấy tin bài. Rồi nhớ lại lúc phỏng vấn các chiến sĩ rà phá bom mìn tại huyện Hải Lăng, trực tiếp xem phá, nổ mìn giữa cái nắng như thiêu như đốt, giờ nghĩ lại sao hồi ấy mình bạo thế, không biết sợ là gì…
Để làm được tất cả những điều đó, không thể không biết ơn những người bạn, người thầy đã truyền ngọn lửa say mê để tôi có thể đi hết được con đường đã chọn, giúp tôi trường thành. Đó là nhà báo Lê Sơn – Tổng Biên tập đầu tiên của báo Tin tức Buổi chiều, các nhà báo Nguyễn Các, Phạm Quốc Khánh, Phùng Huy Thịnh, Trần Quang Vinh…, đặc biệt là chú Lê Sơn, người đã tin tưởng và dìu dắt, chỉ bảo tôi nhiều nhất khi tôi vừa bước chân vào làng báo.
Rời xa Thông tấn xã Việt Nam và báo Tin tức đã 17 năm nhưng tôi vẫn luôn tự hào chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp: Báo Tin tức là mái nhà đầu tiên của tôi trong đời làm báo, tự hào là một trong những lứa phóng viên đầu tiên của báo Tin tức Buổi chiều, được vinh dự chứng kiến những tháng năm rực rỡ nhất của tờ báo chiều và những bước chuyển mình đầu tiên theo cơ chế thị trường của báo Tin tức.