Clip chia sẻ của bác sĩ Bùi Ngọc Lan:
Đặt bệnh nhân lên trên hết
Ngày 29 Tết Âm lịch năm 2019, nhận được tin bệnh nhi nôn nhiều máu, gác lại ngày lễ bên gia đình, bác sĩ Bùi Ngọc Lan cùng các đồng nghiệp khẩn trương đến bệnh viện:
“Hút mạch… cầm máu cho bệnh nhân…
Nhanh chóng tiến hành hội chẩn…”, bác sĩ Ngọc Lan khẩn thiết.
Các thao tác diễn ra gấp gáp. Sau thời gian hội chẩn trong nước chưa có kết quả, bác sĩ Ngọc Lan tiếp tục hội chẩn với các chuyên gia, bác sĩ tại Mỹ, cuối cùng cũng tìm ra, bệnh nhi mắc bệnh ung thư biểu mô phế quản, loại ung thư hiếm gặp ở trẻ nhỏ... Trên đây chỉ là một trong hàng nghìn ca khó mà bác sĩ Ngọc Lan và các bác sĩ tại Trung tâm Ung thư (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã “chiến đấu” giành giật sự sống cho các bệnh nhi ung thư trong 30 năm qua.
Hiện tại, bên cạnh công tác quản lý, bác sĩ Bùi Ngọc Lan thường xuyên thăm khám và điều trị trực tiếp cho các bệnh nhi ung thư. Hàng tuần, bác sĩ chủ trì hội chẩn u đặc cho từ 20 - 40 bệnh nhân, hàng tháng tham gia hội chẩn cấp bệnh viện, liên viện, hội chẩn trực tuyến từ 2-3 buổi cùng các chuyên gia quốc tế với những ca nặng và khó.
Bận rộn, nhưng như một thói quen, mỗi khi đi qua bản tin bệnh viên, bác sĩ dừng lại suy tư, nghiền ngẫm: “Con ước mơ khỏi bệnh thật nhanh để về chơi với cả nhà”, “con ước mơ bệnh này không tồn tại trên đời và không có bạn nào bị bệnh”, “con mong muốn được ăn hải sản”... Chăm chú đọc những mẩu giấy ghi lời ước nguyện của các bé trên “Cây ước mơ”, bác sĩ Ngọc Lan cảm thấy ấm lòng...
Bác sĩ Ngọc Lan nhớ về hành trình 30 năm đồng hành cùng bệnh nhi ung thư, có những thời điểm thiếu thuốc điều trị, bệnh nhân phải chia sẻ từng lọ thuốc, hay những câu chuyện, hoàn cảnh đáng thương của các em mắc ung thư… Bác sĩ kể, cách đây 10 năm, có một em 13 tuổi (quê Thanh Hóa), mang trong mình căn bệnh ung thư máu, nhưng điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mất khi tham gia lực lượng vũ trang, hai mẹ con nương tựa nhau. Khi biết tin mắc ung thư máu, hai mẹ con không biết xoay sở ra sao.
“Khi đó, với vai trò là bác sĩ điều trị, tôi đã đứng ra kêu gọi, gây quỹ khắp nơi giúp em bé có chi phí và dồn hết tâm huyết, nỗ lực để điều trị thành công. Em bé ngày nào giờ đã trưởng thành, có công việc ổn định, vẫn thường xuyên giữ liên lạc với bác sĩ và gọi tôi là ‘mẹ Lan’”, bác sĩ Ngọc Lan tâm sự.
Hơn 1 năm cùng con chống chọi với bệnh bạch cầu cấp, chị Chu Thị Yến (36 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ lòng biết ơn đối với bác sĩ Ngọc Lan: “Bằng chuyên môn và tất cả sự tận tâm, tình yêu của bác dành cho các con, bác sĩ Lan chia sẻ với bố mẹ về tình trạng bệnh của các con, phương hướng điều trị, cũng như cách chăm sóc con, dinh dưỡng trong các thực phẩm hàng ngày… Bác sĩ Lan luôn động viên các con, giúp các con vượt qua nỗi sợ hãi trong điều trị”.
Thời gian điều trị cho hàng nghìn bệnh nhi ung thư, chứng kiến nhiều câu chuyện, nhiều hoàn cảnh éo le của các bé, gia đình các bé… bác sĩ Ngọc Lan xót xa: “Chỉ cứu sống bệnh nhân thôi là chưa đủ, làm sao để các bé khi khỏi bệnh có cuộc sống sinh hoạt bình thường, không gặp nhiều trở ngại, khó khăn… Bởi các bé còn cả một hành trình dài phía trước”.
Để làm được điều này, bác sĩ Bùi Ngọc Lan không ngừng học hỏi, tiếp thu những kỹ thuật mới, tiên tiến trong nước và thế giới. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, Bác sĩ Lan luôn nhấn mạnh:
“Với các bệnh nhân u nguyên bào võng mạc, chúng tôi phối hợp các khoa và triển khai kỹ thuật tiêm hóa chất động mạch mắt để bảo tồn mắt cho 30 bệnh nhân, mà trước đây trẻ phải bỏ nhãn cầu hoặc tử vong… Hay triển khai thực hiện kỹ thuật nút mạch gan, kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện cho trẻ bị u nguyên bào gan nguy cơ cao. Tín hiệu đáng mừng là 5 bệnh nhân đã được mổ cắt u gan thành công… Những điều này một cá nhân riêng lẻ khó làm được, cần có sự chung sức của nhiều bác sĩ thuộc nhiều chuyên ngành…”.
Với những bé có u lớn, tỉ lệ chữa khỏi rất mong manh, nhưng không bỏ cuộc, bác sĩ Ngọc Lan không ngừng tìm tòi, trao đổi, phối hợp với các chuyên khoa khác nhau để giành giật sự sống cho bé. “Bé T.A ở Nghệ An sống được đến hiện tại là một kỳ tích, bởi không ít lần chúng tôi phải đưa bé xuống khoa hồi sức. Dù tia hy vọng mong manh, tôi cũng không bỏ cuộc, tôi liên hệ, trao đổi với nhiều chuyên gia, bác sĩ trong nước và quốc tế… quyết tâm tìm kiếm phương pháp cứu sống bé…”, bác sĩ Ngọc Lan giãi bày.
Bên cạnh công tác quản lý, điều trị bệnh cho bệnh nhi, bác sĩ Ngọc Lan phối hợp cùng các chuyên gia nghiên cứu nhiều đề tài về ung thư nhi, góp phần không nhỏ trong công tác điều trị bệnh nhân và là nguồn tài liệu quý giá giúp các y bác sĩ trẻ tuổi tiếp cận với những kỹ thuật, phương pháp mới, chuyên sâu.
Cùng công tác tại Trung tâm Ung thư, Ths, bác sĩ Nguyễn Minh Trang, ấn tượng mãi hình ảnh bác sĩ Lan với tóc dài, luôn cởi mở, thân thiện, hỗ trợ các bác sĩ trẻ. Với bác sĩ Minh Trang, bác sĩ Ngọc Lan luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các y bác sĩ tại Trung tâm Ung thư.
“Cô truyền cảm hứng cho các thế hệ bác sĩ, học viên, bệnh nhân… vượt qua mọi khó khăn, rào cản trong công việc, cuộc sống. Cô thân thiện, quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ của chúng tôi. Cô Lan đã chia sẻ về công việc, đặc biệt là đưa ra những lời khuyên khi tôi có khúc mắc trong lòng… Cô còn giúp tôi kết nối, giao lưu với nhiều bác sĩ, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực ung thư…”, bác sĩ Minh Trang kể.
Đau đáu về đào tạo nhân lực
Hàng năm, bác sĩ Bùi Ngọc Lan cùng các bác sĩ Trung tâm Ung thư (Bệnh viện Nhi Trung ương) tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhi ung thư mới, điều trị nội trú cho khoảng 5.000 lượt bệnh nhi, khám chuyên khoa trên 6.000 lượt bệnh nhi. Đáng nói, nhiều em đến bệnh viện khám và điều trị ở giai đoạn bệnh nặng... Điều này khiến bác sĩ Ngọc Lan trăn trở: Làm thế nào để đào tạo các y bác sĩ, điều dưỡng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, để họ có thể phát hiện, điều trị kịp thời bệnh ung thư cho các em nhỏ…
Dù công việc bận rộn, nhưng bác sĩ Bùi Ngọc Lan vẫn cố gắng tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho các bệnh viện tuyến tỉnh như: Bệnh viện trẻ em Hải Phòng, Bệnh viện sản nhi Nghệ An, Bệnh viện nhi Thanh Hóa, Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh, Bệnh viện sản nhi Thái Bình... phối hợp với chuyên gia Pháp, Mỹ, Singapore trong các buổi đào tạo online...
“Trong giai đoạn dịch COVID-19, khi các địa phương và bệnh viện K Tân Triều bị phong tỏa, tôi và các bác sĩ đã chủ động chuyển thuốc hóa chất, chuyển phác đồ và hỗ trợ chuyên môn cho một số bệnh viện tỉnh như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, nhận điều trị tiếp cho các bệnh nhi ung thư của khoa Nhi Bệnh viện K Tân triều để bệnh nhi không bị gián đoạn điều trị thuốc hóa chất. Chúng tôi đã hạn chế tái phát bệnh, cứu sống nhiều bệnh nhi ung thư”, bác sĩ Ngọc Lan chia sẻ.
Hiện tại, bác sĩ Ngọc Lan cũng tham gia đào tạo nguồn y bác sĩ trong tương lai, là giảng viên kiêm nhiệm của 6 trường đại học khối y dược và điều dưỡng, hướng dẫn tốt nghiệp 14 bác sĩ nội trú, cao học và chuyên khoa 2.
Đánh giá về những cống hiến của bác sĩ Bùi Ngọc Lan, PGS. TS. Bác sĩ Trần Minh Điển, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: “Là người đứng đầu chuyên ngành ung thư nhi khoa của Bệnh viện Nhi Trung ương, ngoài công tác điều trị người bệnh, bác sĩ Lan còn tích cực đào tạo các thế hệ bác sĩ, điều dưỡng trong đơn vị, tích cực tham gia chuyển giao quy trình kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời liên tục cập nhật các tiến bộ của thế giới về chuyên ngành ung thư nhi. Bác sĩ Lan là người cầu thị, luôn nỗ lực trau dồi kiến thức cho bản thân; tích cực ứng dụng những tiến bộ khoa học, cập nhật các xu hướng trên thế giới; tích cực tư vấn đưa ra hướng dẫn chẩn đoán, điều trị ung thư nhi thống nhất trên toàn quốc...”