Nước mặn lấn sâu nội đồng Trà Vinh hơn 50 km

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Trà Vinh, nước mặn hiện đang lấn sâu vào nội đồng cách cửa biển hơn 50 km. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái độ mặn tăng hơn từ 5,6 - 7,7 phần nghìn, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích lúa vụ đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh.


Cụ thể phía sông Cổ Chiên, tại vàm Hưng Mỹ độ mặn hiện dao động từ 12,5 - 13,5 phần nghìn, vàm Trà Vinh từ 7,5 - 8,5 phần nghìn; phía sông Hậu, tại vàm Trà Kha từ 13,5 - 14,5 phần nghìn, vàm Cầu Quan từ 7,5 - 8,5 phần nghìn. 


Nhằm hạn chế thiệt hại, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp cấp bách để hạn chế thiệt hại do khô hạn, mặn xâm nhập gây ra. Theo đó, tiến hành củng cố các Ban chỉ đạo sản xuất từ tỉnh đến cơ sở, thường xuyên theo dõi thủy văn, nắm chắc diễn biến mặn ở từng khu vực để kịp thời đối phó. Bên cạnh đó phối hợp với chính quyền địa phương thông báo cho nông dân biết tình hình khô hạn, mặn xâm nhập để chủ động ngăn mặn, tiếp ngọt phù hợp; triển khai công tác thủy lợi nội đồng mùa khô năm 2015, khẩn trương nạo vét, giải tỏa các chướng ngại vật, khai thông dòng chảy hệ thống kênh nội đồng để dẫn nước ngọt từ kênh Trà Ngoa về kết hợp lấy nước từ các cống: Láng Thé, Cần Chông, Cái Hóp, Rạch Rum và Mỹ Văn khi độ mặn ở các cửa cống này dưới 1 phần nghìn… 


15 kênh cấp II có tổng chiều dài gần 33 km ở xã Lương Hoà A, huyện Châu Thành (Trà Vinh) đều bị lục bình phủ kín phần lớn diện tích mặt nước. Ảnh: Huy Hoàng-TTXVN


Công ty trách niệm hữu hạn nhà nước một thành viên Quản lý khai thác các công trình thủy lợi phân công cán bộ trực ngày đêm, đo độ mặn hàng ngày theo từng con nước lớn, ròng ở ngoài cửa sông và kiểm tra độ mặn, cột nước trong nội đồng.

Nhưng vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là việc đóng các cống ngăn mặn quá lâu, nước trong nội đồng sẽ bị cạn kiệt, dẫn đến thiếu nước tưới cho cây lúa. Hơn nữa, qua khảo trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều tuyến kênh thủy lợi bị bồi lắng, lục bình (rau mác) dày đặc không đảm bảo khả năng dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong 12 hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít, với 972 kênh cấp II có tổng chiều dài 1.840 km hiện đều bị lục bình “tấn công”. Trong số 34 kênh cấp I, có tổng chiều dài 170 km và 175 kênh cấp II có tổng chiều dài 350 km thuộc 3 hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Châu Thành gồm: Tầm Phương, Tầm Phương mở rộng và Khu C Láng Thé bị lục bình phủ kín từ 40 - 50% diện tích mặt nước, cá biệt có một số tuyến kênh cấp II bị lục bình phủ kín hoàn toàn mặt nước. Trong khi đó Trà Vinh hiện còn khoảng 40.000 ha lúa đông xuân ở các huyện: Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, Tiểu Cần… đang trong giai đoạn đẻ nhánh rất cần nước tưới. Nếu tình hình hạn mặn còn gay gắt như hiện nay, khả năng bị thiệt hại là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, tình hình nắng nóng gay gắt, mặn xâm nhập nội đồng mùa khô năm nay sẽ đe dọa hơn 25.000 ha lúa trong tỉnh.

Diện tích lúa sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất tập trung ở vụ lúa Đông Xuân 2014 - 2015 và diện tích lúa Xuân Hè, Hè Thu năm 2015. Thời gian bị ảnh hưởng kéo dài từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4/2015. Đây là thời điểm mà hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt nhất trong năm. 


Điều đáng quan tâm là tình trạng khô hạn, mặn xâm nhập mùa khô năm nay diễn ra sớm và độ mặn tăng cao hơn mọi năm. Hiện nước mặn đã tràn về một số địa phương trên địa bàn tỉnh, tại nhiều nơi độ mặn đo được lên đến 2 phần nghìn. Trong khi đó thời tiết trên địa bàn nắng nóng gay gắt vào ban ngày, mực nước trên đồng rút xuống nhanh, tại nhiều nơi đã xảy ra thiếu nước cục bộ, đây là điều kiện thuận lợi cho nước nặm xâm nhập sâu vào nội động, gây nhiễm mặn trên diện rộng. Theo nhận định của ngành chức năng, đây là dấu hiệu thể hiện rõ sự tác động chịu ảnh hưởng chung của biến đổi khí hậu toàn cầu. Cụ thể, tại Hậu Giang tình hình thời tiết gần đây diễn biến bất thường, khô hạn, mặn xâm nhập, mưa lũ lụt, triều cường... gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân. 



Huy Hoàng - Huỳnh Sử (TTXVN)

ĐBSCL ứng phó với nắng hạn, nước mặn

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, mùa khô năm nay, từ tháng 3/2014, tại đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn sẽ xâm nhập sâu từ 40 - 60 km, nhiều nhất tại các tỉnh ven biển. Nước mặn xâm nhập mặn sẽ khiến thiếu nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN