Theo Sở Thông tin và Truyền thông An Giang, xác định công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài. Kết quả tuyên truyền về quyền con người là một trong những tiêu chí khách quan đánh giá hiệu quả công tác quyền con người của các ngành, các cấp. UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch số 355/KH-UBND ngày 05/4/2024 về triển khai Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2023-2028; nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/09/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam.
Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2023-2028 nhằm mục tiêu truyền thông, thông tin đầy đủ giúp người dân trên địa bàn tỉnh, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên địa bàn tỉnh.
Theo Đề án, An Giang phấn đấu đến năm 2028 có 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về công tác quyền con người; 70% cán bộ chủ chốt của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh được cập nhật thông tin tình hình công tác quyền con người ở Việt Nam và của tỉnh, tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người.
An Giang đặt mục tiêu 100% sản phẩm truyền thông của Đề án được tuyên truyền trên không gian mạng, góp phần phát hiện, xử lý trên 90% tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2028, các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài và truyền thông trên nền tảng số chiếm 15 - 20% tổng số sản phẩm truyền thông về quyền con người tại địa phương.
Giai đoạn 2023 - 2028, tỉnh An Giang tập trung tuyên truyền luật pháp quốc tế về quyền con người; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người cùng những nỗ lực, thành tựu của Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong việc bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực..
Hiệu trưởng Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông, Đinh Đức Thiện cho biết: Hiểu biết một cách đúng đắn về quyền con người cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền con người là điều kiện tiên quyết để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người một cách hiệu quả.
Theo ông Đinh Đức Thiện, thông tin, truyền thông về quyền con người phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, với hình thức đa dạng để mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền con người. Qua đó góp phần đấu tranh, phê phán những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người, nhất là trên không gian mạng.
Tại buổi tập huấn, các giảng viên Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông chia sẻ với lực lượng truyền thông An Giang các chuyên đề: Pháp luật và cơ chế quốc tế về bảo đảm quyền con người; quan điểm, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về quyền con người; các ưu tiên trong đối ngoại về quyền con người; thành tựu bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực…
Ông Võ Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang nhấn mạnh: Chương trình tập huấn trang bị cho lực lượng làm truyền thông An Giang các kiến thức và kỹ năng truyền thông, thông tin đối ngoại về quyền con người. Từ đó, các sản phẩm tuyên truyền về quyền con người góp phần nâng cao hiểu biết của xã hội về các quyền con người; giúp người dân trên địa bàn tỉnh, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên địa bàn tỉnh An Giang.