Phần lớn người hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động phổ thông

Số lao động nộp hồ sơ đề nghị và có quyết định hưởng thất nghiệp trong quý II/2023 đều tăng mạnh so với quý I/2023, nâng tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong nửa đầu năm tăng lên hơn 500.000 người, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Hơn nửa triệu lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong nửa đầu năm 2023

Theo Bản tin thị trường lao động quý 2/2022 vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố, trong quý II, cả nước có 52,3 triệu người tham gia thị trường lao động, tăng 100.000 người so với quý I/2023 và tăng 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2022.

Chú thích ảnh
Làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Trong đó, 51,2 triệu người có việc làm, tăng 83,3 nghìn người so với quý 1/2023 và tăng 691,4 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cũng trong quý này, cả nước có 1,07 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 25,4 nghìn người so với quý 1/2023, chiếm 2,30%.

Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên chiếm cao nhất với 7,41%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị chiếm 2,75%. Có 940,7 nghìn người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, tăng 54,9 nghìn người so với quý trước.

Thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cũng phần nào kéo tăng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý II tăng mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong quý II/2023, cả nước có 357.513 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 152.5 người so với quý I và tăng 55.927 người so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 348.715 người (quý I là 169.846 người), 5.891 người được hỗ trợ học nghề (con số này ở quý I là 5.318 người); 670.720 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm (quý I là 432.978 người).

Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 562.641 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; hơn 518.500 người có quết định hưởng; 11.209 người được hỗ trợ học nghề và hơn 1,1 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong quý II vừa qua phần lớn không có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm ,9% (tỷ lệ này ở quý I là 67%); tiếp theo là nhóm người hưởng có trình độ đại học trở lên, chiếm 13,1%; sơ cấp chiếm 6,8%; cao đẳng 5,8% và trung cấp 5,4%.

Trong quý II, công nghiệp chế biến chế tạo là nhóm ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 45,9%. Theo sau là nhóm hoạt động dịch vụ khác, với 30,9%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4,4%; xây dựng chiếm 2,7%; nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 2,6%.

Trong khi đó, 5 nhóm nghề có người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất gồm: Thợ may, thêu và các thợ có liên quan với 28,2%; thợ lắp ráp 7,8%; nhân viên bán hàng 2,7%; kỹ thuật viên điện tử 2,5%; kế toán 2,4%.

Hỗ trợ kịp thời cho lao động thất nghiệp

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, trong quý III/2023, một số ngành tiếp có nhu cầu giảm nhiều việc làm là sản xuất trang phục, dự kiến giảm 123 nghìn người; nông nghiệp và hoạt động dịch vụ, giảm 78 nghìn người; bán lẻ giảm 32 nghìn người.

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, Bộ sẽ tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà rất nhiều người lao động đã vượt quá khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, từ đó góp phần giúp ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Luật Việc làm 2013 quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Tuy nhiên, mức hưởng tối đa còn phụ thuộc vào khu vực hưởng.

Trong đó, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở. Còn với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức hưởng không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp: Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

XM/báo Tin tức
Hà Nội đề ra mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025
Hà Nội đề ra mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025

Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 187/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU của Thành uỷ. Chương trình nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, Hà Nội đề ra mục tiêu sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN