Nỗ lực phát triển kinh tế
Xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên là nơi có nghề đánh bắt thủy hải sản từ lâu đời. Tại đây có hàng trăm hộ dân chọn nghề “vươn khơi, bám biển” để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sau mỗi chuyến đánh bắt, việc tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn, nhiều khi còn bị thương lái ép giá.
Từ thực tế đó, là người sinh ra, lớn lên ở vùng đất này, chị Lê Thị Thiên (giáo họ Cát Vàng, xã Cẩm Lộc) luôn ấp ủ dự định xây dựng mô hình thu mua thủy hải sản để tiêu thụ cho bà con. Đồng thời, sử dụng những nguyên liệu này sản xuất nước mắm, ruốc truyền thống.
Chị Lê Thị Thiên cho hay, nhận thấy nguồn thủy sản tươi ngon nhưng thường bị tư thương ép giá nên chị đã đứng ra thu mua hải sản của bà con với giá phù hợp để tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Các loại hải sản như cá cơm, ruốc biển được ngư dân đánh bắt rất dồi dào, chất lượng tốt nên chị mạnh dạn đầu tư kinh phí hơn 1 tỷ đồng xây dựng mô hình sản xuất nước mắm và mắm ruốc.
Trung bình hàng năm, cơ sở sản xuất, chế biến, thu mua hải sản của chị Lê Thị Thiên tiêu thụ gần 1.000 tấn ruốc biển; xuất bán ra thị trường khoảng 3.000 lít nước mắm, gần 10 tấn mắm ruốc thành phẩm. Cơ sở giải quyết việc làm cho 10 lao động là phụ nữ đồng bào Công giáo có hoàn cảnh khó khăn trong vùng.
Là một trong những lao động làm việc tại cơ sở này, chị Lê Thị Linh (thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc) cho hay, trước đây, cuộc sống của chị rất khó khăn vì hoàn cảnh gia đình éo le, mẹ đơn thân, phải một mình nuôi con. Từ khi Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cẩm Lộc giới thiệu đến làm việc tại cơ sở này chị có nguồn thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng. Vì vậy, chị có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Còn tại thôn Lợi, xã Thạch Liên (huyện Thạch Hà), Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tích cực đồng hành, hỗ trợ chị em tham gia phong trào phụ nữ Công giáo phát triển kinh tế. Tỷ lệ hội viên có mặt tại địa bàn tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ đạt 100%, nhờ đó việc triển khai xây dựng các mô hình kinh tế khá thuận lợi.
Tiêu biểu mô hình Tổ hợp tác sản xuất bánh chưng, bánh tét Tân Hưng do chị Nguyễn Thị Chất đứng ra thành lập. Tổ hợp tác hiện có 6 thành viên là các hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Lợi. Từ chỗ chỉ là cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động theo mùa vụ, đến nay, Tổ hợp tác được đầu tư để sản xuất quanh năm.
Chị Nguyễn Thị Chất chia sẻ, trước đây, nhiều chị em trong thôn không có việc làm ổn định. Vì vậy, chị đã thành lập Tổ hợp tác để tạo điều kiện cho chị em có thêm thu nhập. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất và bán khoảng 20 nghìn chiếc bánh các loại. Các thành viên trong Tổ hợp tác có thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Thời gian tới, Tổ hợp tác tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ đi các tỉnh miền Nam và sang những nước có cộng đồng người Việt đông đảo như Lào, Thái Lan.
Lan tỏa phong trào phụ nữ sống tốt đời, đẹp đạo
Nhiều Câu lạc bộ Phụ nữ sống tốt đời đẹp đạo được thành lập tại tỉnh Hà Tĩnh nhằm xây dựng người phụ nữ vùng Công giáo sống tốt đời đẹp đạo, tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thị xã Hồng Lĩnh là một trong những nơi có phong trào phụ nữ sống tốt đời, đẹp đạo triển khai hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Hồng Lĩnh cho hay, thông qua Câu lạc bộ, các thành viên đã được vận động thực hiện tốt nội dung như, phát triển kinh tế, đẹp trong đạo đức lối sống, đẹp trong tinh thần bác ái yêu thương. Từ đó, góp phần hình thành nhiều tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng Công giáo.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh chú trọng xây dựng các mô hình tập hợp hội viên. Đến nay, Hà Tĩnh có 95 mô hình với nhiều tên gọi khác nhau như, Câu lạc bộ “Phụ nữ sống tốt đời đẹp đạo”, “Tổ đoàn kết”, “Xây dựng nông thôn mới - Gia đình Hạnh phúc”, “Phụ nữ đoàn kết”, “Không sinh con thứ 3”, “Dân vũ”. Các câu lạc bộ có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quá trình sinh hoạt. Nhờ vậy, thu hút, tập hợp được tinh thần đoàn kết của lực lượng phụ nữ Công giáo tham gia vào hoạt động của Hội.
Thông qua đó, góp phần tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ có đạo chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thúc đẩy hội viên phụ nữ Công giáo tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, học tập nâng cao trình độ, đầu tư sản xuất phát triển kinh tế, sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Quyên cho biết, thời gian tới, các cấp Hội tăng cường nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trong điều hành tổ chức sinh hoạt; đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, có nhiều tài liệu và chuyên đề phù hợp, giúp chị em nâng cao kiến thức, kỹ năng. Đặc biệt là kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế, đẩy mạnh các phong trào thi đua về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục huy động, ưu tiên nguồn lực thực hiện hoạt động trao tặng mô hình sinh kế, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, xây dựng mô hình kinh tế tập thể.