Rạng sáng 14/9, tại tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (đoạn km 8, đường Đinh Tiên Hoàng) xảy ra 1 vụ sạt lở đất rất lớn, khoảng hơn 20 nghìn mét khối đất đã trượt từ độ cao hơn 100 m xuống vùi lấp hoàn toàn 3 hộ dân. Hiện trường sạt lở taluy dương rất cao, với vết sạt dài xô xuống của đất đá tạo lên tiếng động lớn, khi đó người dân đã hô hoán và tất cả thành viên trong 3 ngôi nhà đã kịp chạy ra an toàn. Tuy nhiên, toàn bộ tài sản đã bị đất vùi lấp.
Như đã đưa tin, vào khoảng 2 giờ sáng 13/9, tại thôn Bản Tát, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên đã xảy ra sạt lở đồi, làm sập toàn bộ ngôi nhà của gia đình ông Hoàng Nguyên Lâm, làm 1 người chết là cháu trai của ông Lâm sinh năm 2012; 1 cháu gái sinh năm 2011 bị thương được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Tại khu vực này, cơ quan chức năng đã phát hiện nguy cơ tiềm ẩn sạt lở đồi trên diện rộng. Đây được coi là tình huống khẩn cấp khiến địa phương phải di dời 120 hộ với trên 400 khẩu thuộc thôn Bản Tát ra Nhà văn hóa thôn để tránh trú, đảm bảo an toàn.
Một vụ việc khác xảy tại thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Ngọc Tùng cho biết, vào khoảng 23 giờ ngày 13/9, do ảnh hưởng của nước sông Chảy đang rút mạnh, chảy xiết đã khiến cả 5 ngôi nhà gần bờ sông bị sạt, trôi xuống sông trong đêm. Trong 5 ngôi nhà bị sạt, có 2 ngôi nhà người dân đã di tản do ảnh hưởng của lần xả lũ của thủy điện Thác Bà trước đó. Rất may vụ sạt lở đã không gây thiệt hại về người do các chủ nhà chạy kịp; tuy nhiên một số tài sản của 3 hộ dân không kịp di chuyển đã bị trôi xuống sông.
Thị sát thực tế tại các điểm sạt lở trên địa bàn thành phố Yên Bái chiều 13/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước đã chỉ đạo địa phương tiếp tục di dời ngay người dân ra khỏi những khu vực có nguy cơ cao sạt lở, sụt lún; nhất là địa bàn các phường: Nguyễn Thái Học và Yên Ninh - nơi đã bị ngập nước dài ngày. Đồng thời, khắc phục ngay theo trình tự điểm sạt lở nguy hiểm nghiêm trọng thực hiện trước, sau đó đến các điểm có nguy cơ sạt lở khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước yêu cầu thành phố Yên Bái cần quan tâm, tạo điều kiện cấp phép cho người dân đánh taluy nhưng phải theo phương án thiết kế của tỉnh để đảm bảo an toàn. Về lâu dài, thành phố và cơ quan, đơn vị chuyên môn phải rà soát, xây dựng báo cáo đánh giá, khảo sát, đưa ra giải pháp tối ưu nhất xử lý tình trạng sạt lở, sụt lún tại các khu vực trên địa bàn.
Địa bàn thành phố Yên Bái và các địa phương lân cận đã được các cơ quan chuyên môn thống kê và cảnh báo có trên 1.000 điểm bị sạt lở và hơn 1.000 điểm có nguy cơ sạt lở. Trong đó, toàn bộ 3 hệ thống đê: Giới Phiên, Tuy Lộc, Cống Đá (xã Âu Lâu) có nhiều điểm sụt lún, xói lở cần được sửa chữa, khắc phục sớm.