Theo Tiến sỹ Dư Đức Tiến, Trưởng phòng Dự báo số trị và viễn thám, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nhóm nghiên cứu của Trung tâm đang tìm hiểu về dự báo cường độ xoáy thuận nhiệt đới dựa trên phương pháp học tổ hợp với dữ liệu best - track và tái phân tích.
Nghiên cứu tập trung vào việc xây dựng hệ cơ sở dữ liệu lớn về xoáy thuận nhiệt đới và các trường khí tượng hải dương trong quá trình hoạt động ở Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam trong 10 năm gần đây. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong dự báo xoáy thuận nhiệt đới ở Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam; triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo trong dự báo xoáy thuận nhiệt đới ở Việt Nam hạn đến 3 ngày; triển khai các nội dung về chuyển giao công nghệ dự báo xoáy thuận nhiệt đới bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo...
Đề cập đến ứng dụng mô hình học sâu (DL) trong việc cải thiện chất lượng dự báo cường độ bão, Kỹ sư Nguyễn Đức Long, đại diện nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Phi Lê, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI4LIFE), Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, mô hình học sâu sử dụng kiến trúc Transformer và các kỹ thuật hiệu chỉnh mô hình, nhằm dự báo cường độ bão hạn 24 giờ. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình do nhóm đề xuất có độ chính xác cao hơn nhiều so với các phương pháp hiện hành.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của Viện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia mở rộng các đề tài nghiên cứu, giải quyết các bài toán về dự báo bão, dự báo mưa... Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào nghiệp vụ dự báo, cung cấp thêm một kênh thông tin tham khảo cho các dự báo viên. Dự kiến, các kết quả nghiên cứu về dự báo cường độ bão sẽ được sử dụng trong mùa mưa bão sắp tới.
Đánh giá về khả năng dự báo cường độ bão dựa trên mô hình trí tuệ nhân tạo khu vực, Tiến sỹ Kiều Quốc Chánh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ cho rằng, hiện mô hình trí tuệ nhân tạo có tiềm năng trong việc dự báo bão tại Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình này chưa so sánh được với các mô hình đang thực hiện tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia như các mô hình toàn cầu và mô hình khu vực.
Thông tin về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác dự báo khí tượng thủy văn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện Trung tâm đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào dự báo mưa dông (thời hạn 6 giờ) và đã đạt được hiệu quả bước đầu. Trí tuệ nhân tạo cũng đang được ứng dụng thử nghiệm trong dự báo thủy văn.
Ông Mai Văn Khiêm đề nghị Viện Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia trong nghiên cứu để sớm đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào dự báo xoáy thuận nhiệt đới trước mùa mưa bão năm 2025.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong bài toán nhận dạng xoáy thuận nhiệt đới từ ảnh vệ tinh địa tĩnh - khảo sát các mô hình thích hợp và xây dựng kiến trúc tổng thể từ nhận dạng khu vực có xoáy thuận nhiệt đới đến định vị tâm, phân loại cấp độ xoáy thuận nhiệt đới và các vấn đề khác liên quan đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo xoáy thuận nhiệt đới...