Và, khi các sạp báo khác trong thành phố sớm hết sạch báo, nhiều người còn phải tìm từng số báo, chuyền tay nhau hoặc sao chép lại bài báo.
“Ăn theo” sự kiện “hot” và những bài báo gây tiếng vang
Thời điểm những năm 90, báo Tin tức buổi chiều ra đời, phản ánh nhiều vấn đề thời sự, quốc tế và trong nước rất nghiêm túc. Bên cạnh việc biểu dương những gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới.. tờ báo còn có nhiều bài báo gai góc, phê phán đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, gây tiếng vang lớn trong làng báo và trong xã hội lúc bấy giờ.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, bà Huỳnh Thị Thu Hà, phố Trường Chinh (Hà Nội) nhớ lại: “Vào những năm 90, Tin tức buổi chiều được đông đảo người dân biết tới. Thời điểm đó, một số tờ báo có tiếng ở Việt Nam ra buổi sáng, Tin tức buổi chiều của TTXVN lại duy nhất có lợi thế phát hành đầu giờ chiều với các thông tin nóng hổi diễn ra ngay buổi sáng cùng ngày. Tôi rất ấn tượng về một số bài viết điều tra của Tin tức, ví dụ loạt bài về lò luyện ôn thi đại học. Phóng viên của báo đã xâm nhập vào lò luyện, đóng vai là sinh viên, phản ánh một cách chân thực nhất về tình trạng giáo viên “chạy sô, kiến thức truyền tải hời hợt”.
Sau khi bài báo đăng, nhiều cơ sở giáo dục, trường học và giáo viên ở Thủ đô, thậm chí ở một số tỉnh, thành địa phương còn truyền tay nhau các bản photocopy về bài báo đó; hay bài “Thể thao mỹ nhân ký sự” của nhà báo Huy Thịnh được người bán báo photo thành nhiều bản để đem bán rộng rãi cho nhân dân.
Tin tức buổi chiều cũng là một trong những tờ báo mà PGS TS Nguyễn Khắc Thanh (Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) chọn đọc thường xuyên vào những năm 90, trong bối cảnh mới ra đời.
“Thời đó, các phương tiện thông tin còn hạn chế, tôi công tác ở trường Đảng, nếu muốn đọc báo phải tới Phòng đọc cán bộ của trường. Ở đó có nhiều ấn phẩm nổi tiếng nhưng tôi chọn Tin tức buổi chiều xem trước vì báo luôn đảm bảo tính thời sự cao, đặc biệt mảng thông tin quốc tế. Tin tức buổi chiều ra đời với mục tiêu đưa những tin từ nửa đêm hôm trước đến buổi sáng hôm sau, nên thông tin luôn sớm nhất so với các báo phát hành buổi sáng cùng ngày”, ông Nguyễn Khắc Thanh cho biết.
“Thời điểm Liên Xô sụp đổ, đây là sự kiện được cả thế giới quan tâm, đặc biệt Việt Nam. Khi đó, Tin tức buổi chiều đã có hàng loạt các bài viết dài kỳ, bình luận sắc sảo của biên tập viên Kiều Xuân Sơn. Sau đó là vụ khủng bố ngày 11/9/2001 diễn ra tại Mỹ, cũng đã được Tin tức buổi chiều đăng tải nhanh nhất. Một cuộc tấn công chưa từng có trong lịch sử khủng bố, cuộc tấn công quy mô lớn nhất của một lực lượng nước ngoài trên đất Mỹ. Thời điểm báo hết, chúng tôi còn bảo nhau ai mua được báo thì photocopy thành nhiều bản để truyền tay nhau đọc”, PGS TS Nguyễn Khắc Thanh nhớ lại.
Thậm chí khi lên lớp giảng bài, PGS.TS Nguyễn Khắc Thanh liên tục nhận các câu hỏi của học viên về thông tin thời sự cũng như và quan điểm riêng của ông, ví dụ nhìn nhận về cuộc tấn công Irag ngày 20/3/2003. Lúc đó, không quân Mỹ bắt đầu dội bom xuống thủ đô Baghdad của Iraq, mở màn cho cuộc xâm lược một quốc gia Trung Đông khi đó đang được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo chống Mỹ.
“Tôi là thầy giáo, học viên hỏi thì càng phải cập nhật, cũng là phục vụ cho công tác giảng dạy”, PGS TS Nguyễn Khắc Thanh chia sẻ. Tin tức buổi chiều lúc đó được dư luận, bạn đọc xem như là diễn đàn đa chiều. Thông tin quốc tế TTXVN thời điểm đó được nhiều độc giả đánh giá là sớm nhất vì cơ quan có nguồn riêng, mua tin của một số đài quốc tế, sớm hơn cả báo Nhân dân và Quân đội Nhân dân.
Tờ báo rất uy tín trong làng báo và trong bạn đọc
Biết đến tờ Tuần Tin tức, Tin tức buổi chiều từ thời còn là sinh viên đại học, ông Đào Bá Đoàn - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn đến giờ vẫn duy trì thói quen đọc báo giấy và báo điện tử của Tin tức.
“Đây là tờ báo rất có uy tín trong làng báo với độ thông tin chính xác cao, đó là giá trị một thương hiệu của TTXVN. Hiện trang thông tin điện tử baotintuc.vn của Tin tức vẫn duy trì khá nhiều chuyên mục ‘hot’, tin ‘nóng’ và độ nhanh của các thông tin luôn được tôi ưu tiên xem”, ông Đào Bá Đoàn cho biết.
Theo ông Đào Bá Đoàn, trong xu thế công nghệ 4.0, hiện báo Tin tức đã đáp ứng được khá tốt cách truyền tải thông tin rất đa dạng, từ text, biểu đồ, bằng hình ảnh, megastory, tạo cho công chúng một môi trường thực tại ảo sống động để trải nghiệm và tương tác với tác phẩm báo chí. Ngoài ra có các chuyên mục video, phóng sự hay talk để các chuyên gia, cơ quan quản lý có thể thảo luận và hiến kế các giải pháp kịp thời về những vấn đề nóng được dư luận quan tâm.
‘Truyền thống của Tin tức đã có, tôi hy vọng báo điện tử Tin tức vẫn giữ và phát huy mảng thông tin thời sự nhanh nhất, duy trì các tin nóng, có vấn đề, dẫn tin hiện trường như vốn dĩ thương hiệu của báo là Tin tức. Quan điểm của tôi, tin càng nhanh, càng được nhiều độc giả quan tâm bởi với sự bùng nổ của báo mạng, công nghệ Internet, người đọc thấy tin này ở báo A thì thường sẽ không đọc lại ở báo bạn”, ông Đào Bá Đoàn bày tỏ.
Là phóng viên trẻ, anh Nguyễn Công Đức, công tác tại Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Giới trẻ ngày càng yêu thích công nghệ, thích đọc báo bằng hình ảnh, nghe, đó là xu thế tất yếu bởi ai cũng có điện thoại thông minh, máy tính hay iPad.
“Tôi mong báo điện tử Tin tức sẽ có nhiều trang thông tin đồ họa hơn, có hàm số, biểu đổ, hình ảnh chân thực; đầu tư hơn kỹ xảo hình ảnh, tăng thời lượng các buổi tọa đàm, talk show để mở rộng thông tin đa chiều, phục vụ các độc giả trong và ngoài nước. Trong quá trình đăng tải talk show, video, ekip thực hiện của báo cần đưa nhiều chi tiết hay, đắt giá hiển thị trên nền tảng số để tạo sự hấp dẫn; bổ sung nhiều hình trám, đa dạng. Đặc biệt, các phóng viên cần xây dựng kho dữ liệu. Để làm được điều này, phóng viên khi đi tác nghiệp, quay hình ảnh, lúc về cần ghi lại ngày, giờ, địa điểm và sự kiện của các khuôn hình đó và lưu lại”, anh Nguyễn Công Đức chia sẻ kinh nghiệm.
Nhiều độc giả trẻ cũng bày tỏ, Tin tức cần tăng tính tương tác với bạn đọc bằng việc đưa thường xuyên thông tin báo chí lên ứng dụng TikTok để thu hút thêm nhiều người khám phá video với thời lượng từ 45 giây đến 1 phút; đăng tin ngắn lên mạng xã hội Facebook, Instagram...
Lời chúc của nhiều độc giả gửi tới báo Tin tức nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập và phát triển báo Tin tức gắn với mong muốn Tin tức ngày càng phát huy các thế mạnh đã có như hiện nay: “Tin tức” có nghĩa là phải nhanh, thông tin ngắn gọn, hấp dẫn, đặc biệt mở rộng các đối tượng độc giả từ học sinh cho tới người lớn tuổi đều có thể đọc báo Tin tức ở mọi lúc, mọi nơi.
Ra đời ngày 14/5/1983 với tên gọi đầu tiên là báo Tuần Tin tức, thời điểm đó, báo Tuần Tin tức được biết đến như một tờ báo đi đầu trong phong trào chống tiêu cực, tham nhũng với nhiều bài báo gai góc, gây tiếng vang lớn trong làng báo và xã hội lúc bấy giờ.
Trước luồng chảy thông tin như vũ bão, việc ra báo tuần không đáp ứng đủ nhu cầu bạn đọc. Năm 1991, Ban lãnh đạo TTXVN đã quyết định xuất bản thêm tờ Tin tức buổi chiều mà bạn đọc quen gọi là “Tin chiều”.
Năm 1999, tờ Tin tức buổi chiều (thường được gọi là Tin chiều) và Tuần Tin tức hợp nhất thành tờ Tin tức. Thương hiệu Tin tức tiếp tục thực hiện tròn vai vị thế của một tờ báo chính trị - xã hội với thông tin chính thống “nhanh, đúng, trúng, hay”.
Năm 2017, đánh dấu bước đột phá trong lịch sử phát triển của báo Tin tức. Theo đó, ngày 16/1/2017, báo Tin tức điện tử chính thức ra mắt trên cơ sở trang web với tên miền www.baotintuc.vn, chính thức cạnh tranh thông tin với hàng trăm tờ báo mạng tại Việt Nam. Đây có thể coi là đột phá đầu tiên của báo trong tiến trình tái cơ cấu sản phẩm thông tin.
Clip chia sẻ của một số độc giả yêu mến báo Tin tức: