Nhiều cơ hội việc làm, đa dạng phân khúc lương
Nguyễn Lan Ngọc, sinh viên năm cuối trường Đại học Quốc gia Hà Nội, đến phiên giao dịch việc làm lưu động mới đây với mong muốn tìm kiếm việc làm bán thời gian. “Em học chuyên ngành quản trị thương hiệu, mong muốn tìm việc làm về marketing. Do đang là sinh viên và làm bán thời gian, nên em kỳ vọng có thu nhập từ 5 - 7 triệu tháng. Bên cạnh đó, thông qua đi làm bán thời gian, em có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn trong quá trình học, xin việc sau này”, Nguyễn Lan Ngọc chia sẻ.
Chu Linh Huyền, học sinh năm cuối Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Tây Hồ (Hà Nội) tìm việc tại một quán cà phê, giải khát để có cơ hội trải nghiệm nghề pha chế đã được học tại trung tâm. "Hiện nay, đa phần các bạn sinh viên làm thêm bán thời gian tại các quán cà phê để nhận lương theo giờ", Chu Linh Huyền cho hay.
Theo đánh giá của đại diện Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), kinh tế phục hồi, góp phần thúc đẩy thị trường lao động duy trì đà tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng trong thời điểm cuối năm.
Ông Nguyễn Anh Tú, chuyên viên hành chính nhân sự Công ty Nhất Tín Logistics cho biết: Hàng tháng, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng 100 nhân sự với mức lương từ 12 - 16 triệu đồng/tháng, trong đó 60% là các vị trí lao động phổ thông, có phương tiện vận chuyển. Trong số này cũng tuyển nhiều lao động bán thời gian, miễn bố trí thời gian cho công việc hợp lý.
Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng cần tuyển hơn 300 chỉ tiêu cho các vị trí trưởng phòng, phó trưởng phòng, đội trưởng, đội phó, tổ trưởng, nhân viên, với mức lương từ 7 – 13 triệu đồng/tháng, cộng thưởng và các chế độ khác...
Để có nguồn lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp buộc phải đa dạng kênh tìm kiếm, trong đó có tham gia các phiên giao dịch việc làm. Tại Hà Nội, theo ghi nhận qua các phiên giao dịch việc làm gần đây, trung bình có khoảng 3.000 chỉ tiêu tuyển dụng được các doanh nghiệp đưa ra ở các ngành nghề, lĩnh vực. Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hiện có nhiều cơ hội việc làm với các vị trí hấp dẫn ở các phân khúc về trình độ, từ sơ cấp, có chứng chỉ nghề, cao đẳng, đại học và trên đại học dành cho người lao động.
Về mức lương, các vị trí chủ yếu tập trung từ 7 – 15 triệu đồng, song cũng có mức từ trên 15 – 20 triệu đồng cho nhóm trình độ cao. Ngoài ra là mức dưới 7 triệu đồng, kể cả cho nhóm lao động bán thời gian. Như vậy, cơ hội việc làm khá đa dạng để người lao động từ học sinh, sinh viên, lực lượng tham gia khác có thể tìm kiếm được việc làm phù hợp với nhu cầu của bản thân.
"Tuy nhiên, việc tuyển dụng chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, đặc biệt trong thời điểm hiện nay. Một phần vì người lao động đã lựa chọn nơi gắn bó ổn định, tình trạng “nhảy việc” hay tìm kiếm công việc mới chỉ xuất phát trong những điều kiện bất khả kháng. Theo quy luật của thị trường lao động, khi một doanh nghiệp dừng hoạt động, nguồn lao động sẽ luân chuyển xoay vòng sang công ty khác để ứng tuyển”, ông Vũ Quang Thành nhận định.
Những nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao
Theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tháng 9/2024, thị trường lao động Hà Nội tiếp tục đà phục hồi. Số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động có xu hướng giảm mạnh, đã tác động tích cực đến thị trường lao động. Ước tính nhu cầu tuyển dụng của Hà Nội trong tháng 9/2024 khoảng 22.679 vị trí.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 10.357 việc làm trống của 3.240 doanh nghiệp tại Trung tâm, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành như: Bán buôn, bán lẻ và hoạt động dịch vụ khác, chiếm khoảng 51,72% (tăng 5,33 điểm % so với tháng trước), tiếp đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo - xây dựng chiếm 24,09% (tăng 8,98 điểm % so với tháng trước). Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là vị trí nhân viên dịch vụ và bán hàng, chiếm 42,17%, tiếp đến là vị trí nhân viên trợ lý văn phòng, chiếm 13,12%.
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng người lao động có trình độ từ đại học trở lên (chiếm 45,96% tổng nhu cầu tuyển dụng), nhóm công nhân kỹ thuật không có bằng cấp, chứng chỉ và lao động phổ thông có chỉ tiêu tương đương, khoảng 16%. Về mức lương, các doanh nghiệp chủ yếu chi trả cho người lao động mức từ 5 - 10 triệu đồng (chiếm 74,1% tổng số nhu cầu tuyển dụng); tiếp đến là mức lương từ 10 - 20 triệu đồng (chiếm 17,13%).
Do đó, về các nhóm ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng cao, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo dịp cuối năm 2024, sẽ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ - thương mại, với hệ thống các siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại, công ty giao nhận hàng cần nhiều lao động để phục vụ đơn hàng của khách.
Còn tại thị trường TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động cho biết, lực lượng lao động năm 2024 trên địa bàn thành phố ước tính hơn 5,1 triệu người, tăng 5,61% so với năm 2023.
Trong 9 tháng năm 2024, Trung tâm đã thực hiện khảo sát trên 52.000 lượt doanh nghiệp, với hơn 230.000 chỗ làm việc, trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ, chiếm 70,12%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,48%; còn lại là khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Một số ngành kinh tế có nhu cầu tuyển dụng cao từ đầu năm đến nay như: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông… Trên cơ sở kết quả khảo sát cung cầu lao động 9 tháng qua, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực quý IV/2024 trên địa bàn thành phố sẽ cần khoảng 83.000 lao động, tập trung ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu.
Để tìm kiếm được công việc phù hợp, đơn vị khuyến cáo người lao động cần chủ động trang bị các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm liên quan đến vị trí việc làm, phát triển đạo đức nghề nghiệp và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Mặt khác, để đáp ứng các thách thức của thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động cũng cần trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin và cập nhật các công nghệ mới. Khi tìm việc, cần lựa chọn những đơn vị uy tín để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo…