Temu thách thức các nền tảng thương mại điện tử Hàn Quốc

Chiến lược cạnh tranh mạnh mẽ của Temu bao gồm giá cực thấp và miễn phí vận chuyển dựa trên ý tưởng rằng tổn thất tài chính ban đầu là có thể chấp nhận được để đổi lấy sự hiện diện rộng rãi hơn trên thị trường.

Chú thích ảnh
Logo của Temu trên màn hình điện thoại thông minh. Ảnh: CNN

Temu – một nền tảng thương mại điện tử giảm giá phổ biến của Trung Quốc – vào tháng 7 năm ngoái đã thâm nhập thị trường Hàn Quốc phá vỡ sự thống trị của các công ty nội địa trong không gian bán lẻ trực tuyến nhờ các sản phẩm giá rẻ, chính sách giảm giá và giao hàng miễn phí.

Tuy nhiên, sau hơn một năm công phá thị trường bán lẻ trực tuyến Hàn Quốc, Temu dần bị người dân Hàn Quốc lo ngại về an toàn sử dụng khi chính quyền Seoul phát hiện chất độc hại trong sản phẩm của Temu.

Tăng trưởng nhanh nhờ giá rẻ

Theo data.ai, nhà cung cấp dịch vụ phân tích thị trường ứng dụng toàn cầu, ứng dụng Temu đã giành vị trí số 1 với 399.000 lượt tải xuống tại Hàn Quốc từ ngày 25/9 đến ngày 9/10 năm ngoái, trở thành ứng dụng thương mại điện tử được tải xuống nhiều nhất tại Hàn Quốc.

Sự tăng trưởng đáng kể của các nền tảng thương mại điện tử giảm giá của Trung Quốc tại Hàn Quốc có liên quan đến việc họ cung cấp các sản phẩm được giảm giá mạnh. Giống như AliExpress, Temu bán nhiều loại sản phẩm trực tiếp từ những người bán hàng Trung Quốc, chẳng hạn như quần áo, đồ trang sức, sản phẩm làm đẹp và đồ gia dụng với mức giá cực thấp. Khách hàng chính của Temu là những bà nội trợ trung niên nhạy cảm về giá cả.

Trong khi AliExpress quảng cáo các mặt hàng gia dụng như bộ sạc, dao cạo râu và máy hút bụi với mức giá thấp tới 100 won (khoảng 18.000đ) cho người tiêu dùng Hàn Quốc, thì Temu cam kết giảm giá tới 99% và trả hàng miễn phí trong vòng 90 ngày.

Được điều hành bởi “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings Inc., trước đây là Pinduoduo, Temu cho phép các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc bán và vận chuyển trực tiếp đến khách hàng mà không phải phụ thuộc vào các nhà phân phối trung gian tại quốc gia đích đến, do đó tăng khả năng chi trả cho bất kỳ người mua nào.

Kể từ khi thâm nhập thị trường Hàn Quốc vào tháng 7 năm ngoái, Temu đã không ngừng mở rộng cơ sở người dùng tại đây. Theo số liệu thống kê của Công ty thu thập dữ liệu bán lẻ WiseApp, tính đến tháng 4 năm nay, Temu tự hào có gần 7 triệu người dùng, xếp thứ 3 trong số các ứng dụng mua sắm thương mại điện tử tại Hàn Quốc sau Coupang (công ty thương mại điện tử của Hàn Quốc) và AliExpress (Trung Quốc).

Những lợi thế tạo nên giá rẻ

Điểm hấp dẫn cốt lõi của AliExpress và Temu nằm ở khả năng cung cấp sản phẩm với giá thấp. Một số sản phẩm rẻ hơn tới 10 lần so với sản phẩm trên các nhà bán lẻ trực tuyến Hàn Quốc. Tại sao giá hàng hoá của các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như AliEpress và Temu lại rẻ như vậy?

Đó là vì, Trung Quốc đang vật lộn với tình trạng dư thừa năng lực sản xuất ở nhiều lĩnh vực, dẫn đến tình trạng tồn kho quá mức. Tình trạng dư thừa này cùng với nhu cầu trong nước yếu khiến hàng hóa phải được bán đi với giá thấp. Đây là một trong những lý do khiến AliEpress và Temu có thể bán sản phẩm với mức giá thấp hơn đáng kể. Ngoài ra, giảm phát và đồng nhân dân tệ mất giá đã đẩy chỉ số giá xuất khẩu của hàng hóa Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

AliExpress và Temu cũng đàm phán với hơn 1.500 công ty hậu cần tại Trung Quốc để giảm thêm chi phí vận chuyển. Đây là cách một sản phẩm trị giá 5 USD có thể được giao từ Trung Quốc đến người tiêu dùng Hàn Quốc mà không mất phí vận chuyển.

Gây tranh cãi

Chiến lược giá cực thấp của các ứng dụng mua sắm trực tuyến của Trung Quốc, trong đó có Temu thường gây ra tranh cãi về hàng giả ở Hàn Quốc. Kim Seong-hee, một phụ nữ thường xuyên mua hàng trên nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, tỏ ra nghi ngờ về lời hứa của Chính phủ Hàn Quốc trong việc kiểm soát số lượng hàng giả ngày càng tăng xuất hiện từ nền Temu cũng như từ các nền tảng khác.

Theo dữ liệu theo dõi thị trường và các quan chức trong ngành quản lý thị trường Hàn Quốc, cả AliExpress và Temu đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm đà tăng trưởng tại Hàn Quốc khi người tiêu dùng ngày càng lo ngại về việc các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc bán các sản phẩm không an toàn và chất lượng thấp.

Dữ liệu thống kê từ công cụ theo dõi thị trường Mobile Index cho thấy, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Temu tiếp tục giảm trong năm nay. Trong tháng 5/2024, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Temu giảm 450.000 tài khoản xuống còn 6,48 triệu tài khoản so với con số 6,93 triệu của tháng 4 năm nay.

Cơ quan quản lý Hàn Quốc cũng đang xem xét liệu Temu có thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng hay không, vì các khiếu nại chống lại Temu ngày càng tăng, tập trung vào chất lượng sản phẩm kém và các vấn đề giao hàng. Temu cũng đang phải đối mặt với tranh cãi về việc sử dụng phiếu giảm giá tiền mặt và các chiến lược tiếp thị đa cấp để thu hút thêm khách hàng.

Trường Giang (P/v TTXVN tại Hàn Quốc)
Thực hư thông tin UAV Hàn Quốc bay qua Bình Nhưỡng rải truyền đơn
Thực hư thông tin UAV Hàn Quốc bay qua Bình Nhưỡng rải truyền đơn

Trong khi Bình Nhưỡng cáo buộc UAV Hàn Quốc xâm nhập lãnh thổ Triều Tiên vì mục đích chính trị thì quân đội Hàn Quốc cho rằng tuyên bố của Bình Nhương chỉ là đơn phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN