Cá thể voọc chà vá chân nâu được thả là con đực, trọng lượng 6,3 kg. Trước đó, ngày 28/4, ông Phan Hiệu ở xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tình cơ bắt được cá thể voọc chà vá chân nâu ở khu vực hồ thủy lợi Tả Trạch. Ngay sau đó, ông Phan Hiệu đã liên hệ với chính quyền địa phương và cán bộ kiểm lâm để bàn giao lại cá thể động vật quý hiếm này. Được biết, khu vực rừng quanh lòng hồ Tả Trạch không phải là môi trường sinh sống của loài voọc chà vá chân nâu.
Cán bộ Ban Quản lý Vườn quốc gia Bạch Mã đã chọn vị trí thả cá thể voọc chà vá chân nâu ở khu vực có địa hình và điều kiện sinh cảnh phù hợp, với nhiều tầng tán thực vật giao nhau, cung cấp nguồn thức ăn phong phú cho loài voọc. Đặc biệt, tại vị trí thả trong Vườn quốc gia Bạch Mã đang có những đàn voọc chà vá chân nâu sinh sống.
Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bạch Mã Nguyễn Vũ Linh cho biết: Cá thể voọc được thả về với tự nhiên có sức khỏe tốt, đang trong độ tuổi trưởng thành nên khả năng hòa nhập với tự nhiên cao. Sau khi thả về tự nhiên, cán bộ của Vườn sẽ theo dõi quá trình di chuyển, khả năng hòa nhập vào các đàn voọc chà vá chân nâu hiện có.
Voọc chà vá chân nâu có tên khoa học Pygathrix nemaeus, được tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng và nằm trong Sách đỏ Việt Nam ở mức nguy cấp.
Kết quả nghiên cứu những năm gần đây cho thấy, Vườn quốc gia Bạch Mã của tỉnh Thừa Thiên – Huế đang có 15 đàn voọc chà vá chân nâu với hơn 170 cá thể. Từ năm 2017 đến nay, Vườn quốc gia Bạch Mã đã tiếp nhận cứu hộ và tái thả khoảng trên 200 cá thể, thuộc nhóm loài nguy cấp quý hiếm như sơn dương, voọc chà vá chân nâu, rùa hộp trắng vàng, tê tê…