Thiếu chính sách hỗ trợ trẻ tự kỷ

Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng số lượng trẻ đến khám và được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ đang có xu hướng gia tăng. Thế nhưng, đến nay, vẫn thiếu các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho trẻ tự kỷ trong điều trị, học tập, hòa nhập cộng đồng.

Trẻ tự kỷ giao lưu hòa nhập cộng đồng.


Cần can thiệp sớm

Có con bị tự kỷ 5 tuổi, chị Ngọc Hòa (Bắc Ninh) cho biết mong muốn lớn nhất của chị là con trẻ được đi học để hòa nhập với bạn bè, cộng đồng. Trước đây, khi phát hiện con có những triệu chứng như không nói chuyện, có những hành động bất thường, gào thét khi không vừa ý... chị Ngọc Hòa đã đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

“Khi bác sĩ kết luận cháu tự kỷ, tôi có cho cháu đăng ký lớp học của bệnh viện nhưng chỉ được 1 tuần thì bị trả về vì cháu thường gào thét trong lớp. Do đó tôi chuyển cháu đến học ở một trường tư, chuyên dạy trẻ tự kỷ với học phí 4 triệu đồng/tháng. Mỗi lớp chỉ có 12 cháu. Sau gần 2 năm điều trị, tình trạng của con tôi đã cải thiện. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn cháu được học tập trong một môi trường lớn hơn. Khi có nhiều bạn bè, có thể tình trạng tự kỷ của cháu sẽ được cải thiện nhanh hơn”, chị Ngọc Hòa chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hải Phòng), một giáo viên đồng thời là thành viên điều hành của Mạng lưới trẻ tự kỷ Việt Nam, có con 11 tuổi đang học trường Hòa Nhập chia sẻ: Hiện nay, trong hệ thống giáo dục, từ cơ sở vật chất đến giáo viên đều chưa có chính sách hỗ trợ dành cho trẻ tự kỷ. Trong khi đó kinh nghiệm của thế giới và nhiều gia đình có trẻ tự kỷ tại Việt Nam cho thấy, nếu can thiệp sớm thì trẻ sẽ có cơ hội hòa nhập; thậm chí, với trẻ dưới 2 tuổi còn có cơ hội hòa nhập cuộc sống tương đối bình thường. Do đó, xã hội, nhà trường cần sớm có những chính sách để hỗ trợ, can thiệp đúng và sớm đối với trẻ tự kỷ.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Chủ nhiệm CLB gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội, cũng cho biết: “Trong vài năm gần, trẻ tự kỷ được thầy cô trường mầm non, tiểu học quan tâm hơn, nhưng thực tế việc giáo dục cho trẻ tự kỷ đang gặp nhiều khó khăn do các thầy cô thiếu phương pháp và kinh nghiệm. Trẻ tự kỷ thường kém về khả năng giao tiếp, nên cần có phương pháp riêng biệt và có cô giáo kèm để giúp tăng khả năng nhận biết. Do đó, chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có chương trình đào tạo, tập huấn cho giáo viên trường mầm non và tiểu học kỹ năng dạy trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Hiện chi phí để dạy một trẻ tự kỷ khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng. Với nhiều gia đình nghèo thì họ không đủ khả năng mời riêng giáo viên dạy kèm”.

Tự kỷ là khuyết tật

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, Việt Nam đã có Luật Người khuyết tật; trong đó, có chia 6 dạng khuyết tật (vận động, nghe nói, nhìn, thâm thần, trí tuệ và khuyết tật khác).

Theo đó, trẻ tự kỷ xếp được nhìn nhận là dạng “khuyết tật khác” và được áp dụng chính sách như trẻ em khuyết tật. Nhưng trên thực tế, cũng như trẻ khuyết tật, trẻ em tự kỷ gặp khó khăn trong việc đi học và hòa nhập cộng đồng.

Trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH thúc đẩy xây dựng và nhân rộng các mô hình chăm sóc, giáo dục trẻ em tự kỷ; trong đó, đưa thành nội dung Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng và Đề án nhân rộng mô hình chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội dựa vào cộng đồng.

Đồng thời, Bộ sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù đối với trẻ em tự kỷ và hỗ trợ gia đình có trẻ tự kỷ, ưu tiên hỗ trợ giáo dục, chăm sóc y tế phục hồi chức năng... Các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề trẻ tự kỷ, tăng cường giám sát, nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ nhân viên trong lĩnh vực này.


“Mong muốn của các gia đình có trẻ khuyết tật là được đi học bởi đây là quyền cơ bản của trẻ em. Đối với trẻ khuyết tật, hiện Nhà nước cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho việc học hành như giảm học phí, miễn học một số môn...

Tuy nhiên, do chưa có văn bản pháp lý nào xác định tự kỷ là dạng khuyết tật nên, Liên hiệp hiệp hội Người Khuyết tật Việt Nam đề xuất cơ quan chức năng phân loại đây là dạng khuyết tật trí tuệ và từ đó có những chính sách hỗ trợ về giáo dục hòa nhập cộng đồng”, bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội Người Khuyết tật Việt Nam khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Chủ nhiệm CLB gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội cho biết: “Trong Luật Người khuyết tật có nhận diện 6 nhóm khuyết tật nhưng không có tên tự kỷ.

Do đó, Mạng lưới điều hành trẻ tự kỷ Việt Nam đề xuất khiến nghị Bộ LĐTBXH và các ngành hữu quan có hướng dẫn cụ thể để công nhận tự kỷ là dạng khuyết tật về phát triển trí tuệ hoặc khuyết tật thần kinh, từ đó có chính sách hỗ trợ, nhất là với gia đình vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn chưa được trợ giúp về y tế và giáo dục”.


Bài và ảnh: Xuân Minh


Tham vấn về chính sách liên quan đến người tự kỷ
Tham vấn về chính sách liên quan đến người tự kỷ

Ngày 2/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Liên hiệp hội Người Khuyết tật Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Tham vấn về chính sách và pháp luật liên quan đến người tự kỷ tại Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN