Thừa Thiên – Huế: Cảnh báo xuất hiện đợt lũ ở mức báo động 2 – báo động 3

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên – Huế, do ảnh hưởng của bão số 6, từ ngày 26 – 29/10 trên các sông khu vực tỉnh Thừa Thiên – Huế khả năng xuất hiện một đợt lũ, với đỉnh lũ ở mức từ báo động 2 – báo động 3. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp và khu vực đô thị.

Dự báo từ chiều 26 - 29/10, trên đất liền của tỉnh Thừa Thiên – Huế có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt ở huyện A Lưới phổ biến 200-300mm, có nơi trên 450mm; huyện Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông từ 350-500mm, có nơi trên 600mm; các huyện Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế: 200-400mm, có nơi trên 550mm. Mưa với cường độ mạnh nhất tập trung trong ngày 27-28/10. Sâu trong đất liền các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế có gió cấp 6, giật cấp 8; vùng ven biển cấp 8, giật cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 10-11; huyện A Lưới, Nam Đông có gió cấp 5, giật cấp 6-7.

Trên biển tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ ngày 27-30/10, có mưa bão. Gió mạnh, cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 11-12; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 1,5-3m, sau tăng dần lên 3-5m, vùng gần tâm bão 5-7m.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên – Huế, địa phương cần chủ động đề phòng khả năng xấu nhất là bão số 6 có thể đổ bộ trực tiếp vào đất liền tỉnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn ở cấp 1. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên đất liền; gió mạnh, sóng lớn trên biển ở cấp 3.

Ngày 26/10, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu và đoàn công tác đã đến kiểm tra việc gia cố đoạn bờ biển bị sạt lở ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và bãi tắm Thuận An (thành phố Huế), yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khẩn trương đánh giá tình hình thiệt hại và xây dựng phương án để khắc phục, sửa chữa không để nước biển xâm thực thêm, đồng thời nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ thi công kè chống sạt lở bờ biển tránh không để biển xâm thực làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sinh sống ven biển.

Trước diễn biến của bão số 6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế đã có Công điện hỏa tốc yêu cầu cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương, đơn vị trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 110/CĐ-TTg, ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với bão số 6 và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Theo đó, các đơn vị nắm chắc tình hình, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động triển khai công tác ứng phó theo kế hoạch đã được phê duyệt theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương; Hủy, hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ trong mọi tình huống. Các đơn vị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi, kịp thời, chính xác về diễn biến bão, mưa lũ, kích hoạt các hình thức cảnh báo thiên tai để nhân dân biết và chủ động phòng, chống; Khẩn trương rà soát và kiên quyết di dời người dân ra khỏi các vùng xung yếu, nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, lũ quét; Không để người dân ở lại trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản...

Đỗ Trưởng (TTXVN)
Bão gây nguy cơ nước dâng trên biển, ngập úng khu vực miền Trung
Bão gây nguy cơ nước dâng trên biển, ngập úng khu vực miền Trung

Thông tin về tình hình bão số 6, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, đây là bão có hoàn lưu rộng, rất phức tạp và có thể thay đổi. Cùng với đó, bão gây gió mạnh, sóng lớn, khả năng xuất hiện nước dâng trên biển; lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp ven sông, khu đô thị từ Hà Tĩnh đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN