Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc phụ trách Chương trình Chính sách và Pháp luật, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bùi Thị Hà cho biết, hơn 30 năm qua, quần thể hổ tự nhiên đã suy giảm đáng kể tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Trong khi đó, hoạt động nuôi nhốt hổ “không vì mục đích thương mại” do các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tại Việt Nam lại đang phát triển rất mạnh với số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tăng dần qua các năm. Sắp tới, trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam cũng như thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi. Hoạt động này cần phải được tiến hành đồng thời cùng các biện pháp nào để đảm bảo mục tiêu bảo tồn hổ của Việt Nam và thế giới.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, năm 2016, Việt Nam ước tính chỉ còn ít hơn 5 con hổ trong tự nhiên. Theo đó, thống kê này của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên cũng được lấy từ ước tính của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, năm 2015, do kể từ năm 2009, không có ghi nhận nào về hổ hoang dã tại Việt Nam và Việt Nam cũng không thực hiện khảo sát quốc gia về hổ tự nhiên. Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức nhưng tính tới thời điểm hiện tại, nhiều nhận định cho rằng hổ có thể đã tuyệt chủng tại Việt Nam.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận và đề xuất trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để thắt chặt quản lý hoạt động nuôi nhốt hổ tại Việt Nam. Trước mắt, cần ban hành một chính sách đặc biệt với hoạt động nuôi nhốt hổ, trong đó có quy định kiểm soát sinh sản đối với hổ nuôi nhốt, nhằm đảm bảo duy trì số lượng hổ chỉ ở mức hỗ trợ cho công tác bảo tồn, cũng như xây dựng các cơ chế giám sát để đảm bảo các cơ sở không tham gia vào bất kỳ hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép nào.
Về lâu dài, cần xem xét xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng để quản lý toàn diện hoạt động của các cơ sở nuôi động vật hoang dã không vì mục đích thương mại, trong đó có các cơ sở nuôi nhốt hổ, để tạo tiền đề cho hoạt động của các cơ sở hợp pháp, cũng như ngăn chặn việc các đối tượng lợi dụng vỏ bọc cơ sở nuôi hổ không vì mục đích thương mại để thực hiện các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Theo thông tin của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, thời gian tới, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tiến hành hoạt động: “Điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi (thực hiện qua hồ sơ gen, hình ảnh, gắn chip điện tử và gắn thẻ đánh dấu”.
“Mặc dù đánh giá cao giải pháp này, nhưng theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, việc lập hồ sơ quản lý, nhận dạng hổ sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu tiến hành đồng thời với một chính sách rõ ràng nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động sinh sản của hổ cũng như xử lý các trường hợp hổ chết tại các cơ sở nuôi nhốt đã đăng ký, trong bối cảnh hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào đề cập chi tiết về các vấn đề quan trọng này”, bà Bùi Thị Hà chia sẻ.