Đổi mới đào tạo báo chí - truyền thông qua liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ và cơ quan báo chí, truyền thông là hướng đi với các cơ sở đào tạo. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Anh Đức, Trưởng Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội xung quanh chủ đề trên.
Thưa ông, thời gian gần đây, AI đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí. Công nghệ này đang tác động thế nào đến hoạt động báo chí, thưa ông?
Sự bùng nổ của công nghệ AI đang nhanh chóng ảnh hưởng tới toàn bộ quy trình sản xuất tin tức, từ tìm kiếm ý tưởng, triển khai thực hiện, cho đến phân phối nội dung theo hướng cá nhân hoá. Chẳng hạn như ứng dụng AI mang tên Editor tại The New York Times giúp đơn giản hoá quy trình sáng tạo báo chí; phần mềm thông minh Heliograf có khả năng viết báo tự động tại The Washington Post; phần mềm Wibbitz tại USA Today có thể tạo ra các đoạn video ngắn bằng cách lựa chọn một câu chuyện trình bày dưới dạng văn bản, rút gọn nó, thu thập hình ảnh hoặc video, thậm chí thêm cả lời bình.
Công nghệ AI còn có thể hỗ trợ nhà báo kiểm chứng và xác thực thông tin. Ví dụ, nhóm kỹ sư Washington Post đã phát triển một công cụ gọi là Modbot với tính năng máy học (machine learning) để lọc và loại bỏ các bình luận có nội dung không phù hợp. Ứng dụng Perspective tại Le Monde hay tại El Pais có thể lọc tự động hệ thống bình luận trực tuyến để loại bỏ kịp thời những bình luận có yếu tố “độc hại”.
Với khoảng 420.000 bình luận trung bình mỗi tháng của độc giả, báo điện tử VnExpress đã sử dụng các thuật toán AI qua công cụ Automate Comment Review để thẩm định sao cho các bình luận xuất hiện trên trang báo tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc của toà soạn.
Tại Việt Nam, AI được xác định là một trong những công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Riêng trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, theo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 là 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động và đến năm 2030, con số mục tiêu này đạt 90% cơ quan báo chí.
Thế giới cũng đang bàn thảo và đang cân nhắc về việc làm sao để kiểm soát được sự tham gia vào hoạt động AI trong báo chí để không bị xung đột đối với những lợi ích, giá trị mang tính chất nguyên tắc của nghề nghiệp báo chí.
Vậy, trong công tác đào tạo, các cơ sở đào tạo đã ứng dụng công nghệ mới này như thế nào, thưa ông?
Đào tạo cũng đã và đang thay đổi liên tục. Về phương diện nội dung giảng dạy và các giáo trình, các cơ sở đào tạo cũng đã chỉnh sửa và thay đổi và bổ sung thêm những nội dung liên quan đến công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng.
Sinh viên có lợi thế là trẻ, rất năng động, chủ động tìm hiểu những ứng dụng mới, công nghệ, thậm chí là đi trước các thầy cô. Trong các môn học, những môn liên quan đến số, hay đa phương tiện, sinh viên cũng đã bước đầu được sử dụng một số công cụ số, AI để viết nội dung và dựng thiết kế về đa phương tiện. Ví dụ có những bài tập mà các bạn đã làm về mô hình phòng triển lãm mô phỏng các điểm du lịch của Việt Nam và cho AI dựng nội dung, đọc thuyết minh cũng như làm video rất hiệu quả.
Trung bình, hàm lượng công nghệ trong chương trình đào tạo của các trường chiếm tỷ lệ từ 10% - 15% tổng số tín của toàn khoá học. Một số trường do có lợi thế về nền tảng công nghệ thông tin nên số học phần có hàm lượng công nghệ có thể chiếm tỷ lệ từ 20% - 30% tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo.
Để thích ứng với nhu cầu xã hội trong bối cảnh truyền thông số, các cơ sở đào tạo cần nhận thức rõ sự chuyển đổi mạnh mẽ trong xã hội và các yêu cầu sử dụng lao động của cơ quan báo chí - truyền thông. Trước mỗi đợt cập nhật chương trình, các cơ sở đào tạo cần tiến hành khảo sát lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà tuyển dụng, giảng viên, cựu sinh viên và sinh viên năm cuối. Việc bổ sung công nghệ nói chung và các công cụ AI nói riêng đưa vào giảng dạy cần được cơ sở đào tạo tính toán và cân nhắc.
Chúng tôi tin rằng, thế hệ sinh viên mới cũng có thể làm chủ được công nghệ AI, đóng góp lực lượng nhà báo giỏi về công nghệ cho nền báo chí của nước nhà. Tuy nhiên, khó khăn về phía cơ sở đào tạo chủ yếu về tài chính, góc độ đầu tư. Chúng tôi không có nguồn lực, nguồn tài chính đầu tư cho các em học hỏi và sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, cũng như vấn đề bản quyền của công nghệ đó. Đến thời điểm này, các bạn sinh viên vẫn chủ yếu là sử dụng hỗ trợ một phần miễn phí thôi ,chứ không chưa được sử dụng tất cả những bản full.
Tôi hy vọng trong tương lai gần sẽ có sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí cũng như các doanh nghiệp mạnh về lĩnh vực công nghệ thông tin. Sự đồng hành của các doanh nghiệp về công nghệ thông tin không chỉ dành cho các nhà báo, các cơ quan báo chí mà còn cả các cơ sở đào tạo báo chí trong việc làm quen và làm chủ công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay.
Bên cạnh mặt tích cực, AI cũng có nguy cơ tạo ra những thông tin giả. Vậy từ góc độ nghiên cứu, theo ông đã đến lúc có những quy định quản lý AI chưa, thưa ông?
Khoảng tầm này năm ngoái, có rất nhiều thảo luận trên các diễn đàn quốc tế tập trung vào những quy định, nguyên tắc của ứng dụng AI trong báo chí truyền thông.
Ở Việt Nam, cách đây khoảng hơn một tháng, tôi có tham dự hội thảo quốc tế của Bộ Tư pháp tổ chức về ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực nói chung. Đối với báo chí nói riêng, vấn đề pháp lý là rất quan trọng, vì AI liên quan trực tiếp đến vấn đề sản xuất nội dung thông tin - công việc hàng ngày của người làm báo.
Thông tin phải dựa trên sự thật. Nhiều ý kiến quan ngại về AI xử lý những dữ liệu có thể không hoàn toàn đúng về mặt sự thật hoặc fake news. Nhà nước và các cơ quan quản lý lĩnh vực này chắc chắn sẽ phải làm việc cùng nhau để soạn thảo những quy định về ứng dụng AI trong lĩnh vực báo chí.
Ở góc độ đạo đức nghề nghiệp, chúng tôi cũng có nhiều quan ngại. Thực tế, AI có thể xử lý và tổng hợp những thông tin có tính thiên lệch, định kiến về các vấn đề xã hội, và con người, chẳng hạn các chủ đề về giới, nhóm yếu thế… Nguyên lý của AI dựa trên nguồn thông tin đầu vào, nếu thông tin đó có sự thiên lệch thì kết quả xử lý cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong một tọa đàm gần đây, có chuyên gia đã nêu ví dụ liên quan đến tư liệu về chiến tranh Việt Nam, những hình ảnh, dữ liệu ngôn ngữ nói chung trên không gian số về chủ đề này phần lớn là của phương Tây, do AI mới chủ yếu dựa vào nguồn tiếng Anh, nên có thể cho kết quả thiên lệch về một phía.
Đó là cũng là thực tế cần phải cân nhắc và suy nghĩ để giải bài toán trong tương lai gần. Chúng ta nên minh bạch như thế nào, cho phép các chủ thể AI tiếp cận và tiếp cận đến đâu đối với những nguồn dữ liệu chính thống có thẻ chia sẻ trên môi trường số toàn cầu có rất nhiều cơ hội, nhưng cũng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!