Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm tới công tác đầu tư xây dựng và quản lý quỹ nhà tái định cư (TĐC) để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Khu tái định cư Đền Lừ (Hà Nội). Ảnh: Lê Phú |
Tuy nhiên, việc triển khai loại hình nhà ở này cho thấy vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ. Từ nay đến năm 2020, Hà Nội cần triển khai xây dựng 50.000 căn hộ TĐC và 10.000 lô đất TĐC với tổng kinh phí dự tính lên tới hơn 46.000 tỷ đồng. Do đó, việc tìm giải pháp cho phát triển nhà ở TĐC là rất quan trọng.
Nơi thừa, nơi thiếu
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), bình quân hàng năm Hà Nội thực hiện hơn 1.000 dự án đầu tư có liên quan đến thu hồi đất giải phóng mặt bằng (GPMB), tăng gấp 3 lần so với trước đây. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình có nhu cầu được bố trí nhà TĐC.
Để đáp ứng nhu cầu này, từ năm 2000, Hà Nội đã triển khai 80 dự án nhà ở tái định cư với trên 20.000 căn hộ chung cư. Đến nay, các dự án đã hoàn thành 12.073 căn, đưa vào sử dụng gần 11.000 căn, còn 1.257 căn chưa sử dụng đến. Dự kiến giai đoạn 2013 - 2015, thành phố tiếp tục hoàn thành khoảng 12.000 căn hộ TĐC. Ngoài ra, để bảo đảm quỹ nhà TĐC “đi trước một bước”, thành phố đặt hàng mua nhà TĐC tại 13 dự án với tổng số 3.189 căn hộ, dự kiến trong năm 2012 sẽ hoàn thành 606 căn hộ và đến năm 2015 hoàn thành 2.583 căn hộ.
Thành phố Hà Nội luôn xem công tác tái định cư là nhiệm vụ bức thiết, cần được ưu tiên giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB, triển khai thi công các dự án bức xúc về hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, quỹ nhà TĐC luôn trong tình trạng thiếu và mất cân đối. Chỉ tính riêng năm nay, để phục vụ cho các dự án đang và sẽ triển khai, Hà Nội cần 6.500 căn hộ để bố trí chỗ ở cho người dân nhưng dự kiến đến cuối năm quỹ nhà này cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu (chưa kể các công trình trọng điểm quốc gia và đường vành đai 3). Trong khi đó, dự tính tổng số vốn để xây dựng nhà TĐC của Hà Nội lên tới hơn 46.000 tỷ đồng.
Điều bất hợp lý là trong khi nhiều dự án tiếp tục bị chậm tiến độ vì thiếu nhà TĐC thì lại có một số dự án đã được bố trí quỹ nhà TĐC cư nhưng bỏ hoang tới vài năm chưa đưa vào khai thác, sử dụng, với lý do chưa hoàn thành việc GPMB. Hệ quả là chính các tòa nhà TĐC “chờ” dự án này đã dần xuống cấp theo thời gian và Nhà nước phải bỏ kinh phí để sửa chữa, bảo hành, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách?
Có thể liệt kê một số toà nhà TĐC đang “chờ” dự án là đường Vành đai I đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái và đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, dự án đường Liễu Giai - Núi Trúc...
Trong khi đó, không ít những dự án lớn về hạ tầng giao thông sẽ bị chậm tiến độ, không thể triển khai được vì chưa cân đối được quỹ nhà TĐC phục vụ công tác GPMB. Cụ thể là các dự án: Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng (cần khoảng 3.500 căn hộ), vành đai I đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái (còn thiếu khoảng 500 căn hộ), đường Nguyễn Hoàng Tôn - quận Tây Hồ (cần khoảng 900 căn hộ), đường Tam Trinh - Lĩnh Nam (cần khoảng 900 căn hộ)...
Chậm tiến độ vì thiếu vốn
Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu quỹ nhà TĐC tại Hà Nội là do một số chủ đầu tư các dự án nhà TĐC không thực hiện đúng tiến độ đã cam kết. Điển hình là dự án khu nhà ở di dân GPMB tại Hoàng Cầu, Đống Đa; dự án X1, X2 phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân; dự án xây dựng 133 căn hộ tại nhà 11 tầng lô NOTC tại thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm; dự án nhà chung cư cao tầng CT1 Khu đô thị Cầu Diễn mở rộng. Ngoài ra, 29 dự án xây dựng nhà ở TĐC (7.447 căn hộ) theo cơ chế cho vay ủy thác qua Quỹ Đầu tư Thành phố và 10 dự án (3.466 căn hộ) theo cơ chế cấp phát được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cấp đều chậm tiến độ. Thậm chí cũng có những dự án theo kế hoạch phải bàn giao nhà cho thành phố từ những năm 2006 - 2007 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngay cả các dự án xây dựng nhà TĐC do UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư tiến độ cũng đang rất chậm, do nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn. Tại quận Cầu Giấy, dự án N07 khu 5,3 ha Dịch Vọng triển khai từ năm 2001 đến nay vẫn còn dở dang (đơn vị thi công đã xây thô đến tầng thứ 13 từ năm 2006, sau đó dừng lại không thực hiện tiếp). Hiện UBND quận Cầu Giấy đã có văn bản trình thành phố và các cơ quan chức năng cho phép chấm dứt hợp đồng, thay thế đơn vị thi công; 3 dự án khác tại quận này cũng đang ách tắc vì vấn đề vốn.
Việc chậm triển khai các dự án TĐC dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần tổng mức đầu tư, do giá cả nguyên vật liệu liên tục tăng. Mặt khác, đối với quỹ đất 20% tại các khu đô thị được quy định dành để xây dựng nhà ở TĐC, nhưng hầu hết các chủ đầu tư đều chậm GPMB để bàn giao lại cho thành phố. Một số dự án được thành phố phê duyệt đầu tư xây dựng nhà ở TĐC nhưng sau đó lại được chuyển đổi mục đích sử dụng cũng làm giảm đáng kể quỹ nhà ở loại này.
Có một thực tế nữa, hàng năm các quận huyện và các chủ đầu tư đăng ký xây dựng quỹ nhà TĐC lớn, khoảng 5.000 căn hộ/năm, song kết quả sử dụng quỹ này của năm năm gần đây thấp hơn nhiều so với đăng ký ban đầu, chỉ sử dụng 1.000 căn hộ/năm. Trong khi đó, các quận, huyện thực hiện công tác GPMB chậm đều lấy lý do thiếu quỹ nhà TĐC. Đây cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc trong việc cân đối, bố trí quỹ nhà TĐC hiện nay.
Minh Nghĩa
Bài cuối: Nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện hạ tầng