TP Hồ Chí Minh: Nhiều mẫu nước uống đóng chai, nước đá, thủy, hải sản nhiễm vi sinh

Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, qua các đợt kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm ở Thành phố, đơn vị đã phát hiện nhiều mẫu nước uống đóng chai, nước đá, thủy, hải sản nhiễm vi sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã lấy 5.340 mẫu thực phẩm các loại để kiểm định chỉ tiêu an toàn thực phẩm (hóa lý, vi sinh). Kết quả, 85% mẫu đạt tiêu chuẩn và khoảng 15% mẫu không đạt tiêu chuẩn. Đáng lo ngại là đơn vị này phát hiện khoảng 10% mẫu nước uống đóng chai, 10% mẫu nước đá không đạt chỉ tiêu vi sinh và khoảng 20% mẫu thủy, hải sản nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, các mặt hàng đóng sẵn bằng bao gói cũng phát hiện một số mẫu không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Căn cứ vào kết quả này, thời gian tới, Sở An toàn thực phẩm sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất sản phẩm nước đá, nước uống đóng chai, cơ sở chế biến, kinh doanh thủy, hải sản và sản phẩm đóng gói khác nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, trong đợt kiểm tra cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở sẽ tích cực giám sát, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm được tiêu thụ nhiều như thịt, trứng, sữa, bánh mứt, bia rượu, các loại giỏ quà tết dễ bị trà trộn hàng hết hạn, hàng giả...

“Vừa rồi cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo ở Hà Nội vi phạm các quy định an toàn thực phẩm, trong đó có cả những cơ sở sản xuất bánh nổi tiếng. Do đó, trong đợt cao điểm này chúng tôi sẽ tung toàn lực để cố gắng kiểm tra, giám sát càng nhiều càng tốt”, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.

Liên quan đến vụ việc giá đỗ ngâm hóa chất, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay, ngay sau khi xảy ra vụ việc giá đỗ ngâm hóa chất được phát hiện tại Đắk Lắk, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm mặt hàng này tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở thành phố. Hiện, kết quả cho thấy các mẫu giá đỗ đều đạt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, không phát hiện nhiễm hóa chất.

Về xử phạt vi phạm, trong năm 2024, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 15.769 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và xử lý vi phạm hành chính 64 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 800 triệu đồng. Sở phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra 260 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 16 cơ sở với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử phạt hành vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm gặp khó khăn do xử phạt vi phạm hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, trong khi số vụ việc chuyển sang xử lý hình sự rất ít và phức tạp.

Đinh Hằng (TTXVN)
Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm gần đây có nguyên nhân do vi sinh vật
Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm gần đây có nguyên nhân do vi sinh vật

Điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột dẫn tới các vụ ngộ độc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN