Chiều 24/10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn trong tuần qua.
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến việc triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025, Sở đã phối hợp với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện rà soát và ghi nhận có 325 căn nhà tạm, nhà dột nát (129 hộ nghèo và 196 hộ cận nghèo) cần được xây dựng, sửa chữa tại 8 địa phương với tổng kinh phí dự kiến 15,876 tỷ đồng.
Theo đó, Sở đã và đang phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện, thành phố Thủ Đức chung tay huy động mọi nguồn lực và nguồn quỹ "Vì người nghèo" để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Dự kiến chương trình sẽ được hoàn thành trong tháng 4/2025, hướng tới chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kinh phí để hỗ trợ thực hiện chương trình từ nguồn quỹ của Ban vận động và sử dụng quỹ “Vì người nghèo” TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, đối với việc xây dựng nhà tình thương, kinh phí hỗ trợ là 60 triệu đồng/căn (riêng huyện Cần Giờ, Nhà Bè là 70 triệu đồng/căn); đối với sửa chữa nhà, mức hỗ trợ tùy theo mức độ hư hỏng, xuống cấp nhưng tối đa không quá 80% mức quy định xây dựng nhà tình thương.
Ngoài ra, các địa phương đều tổ chức vận động trong nhân dân để hỗ trợ thêm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về kinh phí, thiết bị, vật dụng sinh hoạt như món quà mừng hộ có căn nhà mới. Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh cũng có chính sách hỗ trợ vay vốn với mức vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ, thời gian vay tối đa là 120 tháng (10 năm), lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng (6%/năm) để hộ đầu tư kinh phí cho việc xây dựng, sửa chữa nhà tốt hơn.
"Tại TP Hồ Chí Minh, thông qua nhiều giải pháp hỗ trợ và sự vươn lên thoát nghèo của người dân, tỉ lệ hộ nghèo của Thành phố đã giảm từ 1,49% xuống còn 0,33%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI đề ra. Thành phố cũng xác định năm 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành mục tiêu phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2021- 2025, hướng tới chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, các địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực xã hội tham gia thực hiện công tác giảm nghèo, chăm lo chu đáo cho các hộ nghèo trên địa bàn", bà Nguyễn Thị Hồng Hà cho biết thêm.