Đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các cơ quan phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong nước, quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu những sản phẩm, công nghệ mới ứng dụng trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Phát biểu khai mạc, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07, Bộ Công an) nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra các bước nhảy vọt về vật liệu mới có thể khó cháy cùng nhiều sản phẩm chất chữa cháy, thiết bị, công nghệ chữa cháy mới được nghiên cứu, sản xuất từ công nghệ nano, các chất chữa cháy vừa thân thiện với môi trường vừa hiệu quả chữa cháy cao.
Cách mạng công nghiệp còn tạo ra các robot thế hệ mới hỗ trợ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; giúp cho người người, nhà nhà kết nối với nhau qua các hệ thống thông tin, thiết bị công nghệ, qua đó giúp cho mọi người dễ tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu các kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các sự cố cháy, nổ, tai nạn ngay từ giai đoạn đầu, góp phần kiềm chế số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố tai nạn gây ra.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống cảnh báo, phát hiện sự cố cháy, nổ sớm còn giúp cơ sở và lực lượng chức năng nhanh chóng triển khai các hoạt động xử lý, cứu chữa vụ cháy. "Hệ thống cảnh báo còn kết nối thông tin giúp cơ sở, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy phát hiện các lỗi của hệ thống, tình trạng thường trực chữa cháy của lực lượng, phương tiện trong các tòa nhà, thực trạng hệ thống giao thông từ cơ quan phòng cháy, chữa cháy đến địa điểm cháy, tình trạng người bị mắc kẹt trong các đám cháy và có thể điều hành, thông tin chỉ huy từ xa để hướng dẫn người dân thoát nạn, tổ chức cứu người bị nạn, cứu tài sản góp phần bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân”, Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Lê Đình Tuyến, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn giải pháp kỹ thuật Lê Dương chia sẻ những thiết bị hỗ trợ, theo dõi, định vị chiến sỹ trong công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Trong đó, giải pháp HSAFE là sản phẩm công nghệ đột phá trong lĩnh vực an toàn lao động; giám sát an toàn cá nhân theo thời gian thực. Với việc tích hợp các cảm biến và công nghệ IoT (Internet of Things), HSAFE giúp bảo vệ và quản lý lực lượng lao động từ xa, phát hiện sớm các dấu hiệu sinh học của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi đang gặp nguy hiểm trong lúc thực hiện nhiệm vụ.
Theo ông Tuyến, giải pháp HSAFE có thể xác định vị trí đi lại, làm việc và ghi nhớ những nơi người mang thiết bị đã từng đi qua, ở vị trí nào, trong thời gian bao lâu trên diện rộng. Đặc biệt, thiết bị cảm biến trên mũ bảo hộ còn đo các chỉ số nhịp tim, nhiệt độ, mức độ vận động, tư thế làm việc..., từ đó biết được tình trạng sức khỏe hiện tại cũng như phát hiện những dấu hiệu bất thường thông qua dữ liệu thu được (ngừng vận động, nhịp tim yếu, đi vào khu vực cấm...), đồng thời lập tức báo hiệu khẩn cấp tới người giám sát. Ngoài ra hệ thống còn phát tín hiệu (âm thanh, đèn báo động) khi cần trợ giúp; phát tín hiệu khi cần tìm kiếm hoặc có bất thường….
Tại tọa đàm, đại diện Công ty cổ phần phòng cháy chữa cháy Vạn Bảo chia sẻ giải pháp phương tiện chữa cháy sớm cho hệ thống thiết bị điện. Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ phát triển kỹ thuật DPKT khái quát về Camera nhiệt AI – Giải pháp phòng cháy chữa cháy và xử lý đám cháy hiệu quả…
Đánh giá cao về việc ứng dụng công nghệ thông tin hệ thống cảnh báo, phát hiện sự cố cháy, nổ sớm, bà Kawai Yayoi, chuyên gia Hiệp hội thiết bị phòng cháy, chữa cháy Nhật Bản (NFES) cũng chia sẻ những tiêu chuẩn theo Luật phòng cháy chữa cháy Nhật Bản; các biện pháp phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, cơ sở tập trung đông người như khách sạn, bệnh viện, các tòa nhà cao tầng…
Theo bà Kawai Yayoi, hệ thống kiểm định theo tiêu chuẩn và hệ thống chỉ dẫn tự nguyện là hai quy chuẩn bắt đối với các cơ sở, công trình nhằm phòng ngừa tốt nhất trong công tác phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, bà Kawai Yayoi cũng lưu ý các giải pháp sơ tán ra ngoài hoặc ra ban công, hay sơ tán vào trong phòng rồi đóng cửa ngăn khói vào bên trong đối với các trường hợp không sơ tán được theo hệ thống chỉ dẫn ban đầu.
Cũng tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ các giải pháp phòng ngừa cháy nổ cho Pin - Lithium trong ứng dụng lưu trữ năng lượng; giải pháp giếng trời tự động phòng cháy, chữa cháy thông gió lấy sáng Firsky; giải pháp nâng cao độ bền, tuổi thọ và sự an toàn đường ống của hệ thống chữa cháy bằng nước trong công trình xây dựng.
Các đại biểu cũng giới thiệu thiết bị báo cháy cục bộ và chữa cháy dạng đóng gói, giải pháp phù hợp cho nhà ở kết hợp; những nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chữa cháy; ứng dụng công nghệ AI vào các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, các thiết bị camera để phát hiện xử lý đám cháy; phương tiện cứu người trong các tình huống khẩn cấp...