Thời điểm này, nhiều cánh đồng thuộc địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đang mở cống cho nước rút, người dân thu dọn các loại ngư cụ dùng đánh bắt cá mùa lũ trên đồng. Nước lũ rút, người dân sống bằng nghề chài, lưới cũng dời địa điểm làm ăn từ trên đồng xuống sông. Nếu như đánh bắt cá trên đồng vào mùa lũ sử dụng các biện pháp như đặt dớn, đẩy côn, đặt lợp khi cá ra sông lại sử dụng những biện pháp khác là quăng chài, thả lưới, giăng câu…
Khoảng một tuần nay, anh Nguyễn Văn Thảo ngụ xã Thường Thới Thậu A, huyện Hồng Ngự đã thay đổi địa bàn và cả phương thức đánh bắt cá cho phù hợp tình hình thực tế. Anh Thảo cho hay, cuối tháng 9 âm lịch, bắt đầu nước rút, cá chạch từ trên đồng ruộng cũng đi ra sông. Mỗi ngày, anh vãi chài trên sông bắt được từ 3 - 4 kg cá chạch, giúp anh có thêm nguồn thu nhập gần 500.000 đồng.
Trên sông Sở Thượng, đoạn thuộc xã Thường Lạc và Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự có nhiều người dân tập trung để đánh bắt thủy sản. Bà con dùng loại lưới có kích thước mắt lưới to để giăng bắt cá mè vinh, cá kết; còn lưới có mắt nhỏ hơn dùng bắt cá linh, cá thiểu… Theo người dân địa phương, những ngày qua, xuôi theo con nước, các loại cá trên đồng đi ra khu vực đoạn sông này nên bà con đánh bắt được nhiều hơn so với ngày thường.
Ông Lê Văn Hai ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự cho biết, vài ngày nay, ông giăng lưới dưới sông Sở Thượng, cá dính nhiều hơn, mỗi ngày ông bắt được trên 7 kg, bao gồm các loại cá như: cá linh, cá kết, cá mè vinh… Cá nhiều, không những giúp ông có thêm thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày mà còn làm phong phú bữa cơm của gia đình.
Bên cạnh chài, lưới, người dân ở huyện Hồng Ngự còn có cách đánh bắt thủy sản truyền thống vào mùa cá ra khá hiệu quả là dùng lưới hứng ở ngay miệng cống thoát nước. Bởi trên nhiều cánh đồng thường có đê bao, tại những miệng cống thoát nước, dòng nước từ đồng ruộng chảy ra sông. Mỗi ngày, hứng tại cống có thể bắt được vài chục kilôgam cá các loại. Tuy thu hoạch nhiều nhưng cách làm này chỉ có thể diễn ra trong vài ngày, khi nước trên đồng rút cạn thì không thể bắt cá theo cách này nữa.
Những loại cá tự nhiên (hay còn gọi là cá đồng) rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, thương lái chực chờ thu mua ngay các loại cá mà người dân bắt được. Trung bình cá chạch 130.000 đồng/kg, cá chốt từ 40.000 - 60.000 đồng/kg (tùy loại), cá linh, cá thiểu từ 10.000 đồng/kg trở lên…
Theo chị Trần Thị Diễm, một tiểu thương ở xã Thường Thới Hậu A, chị thu mua tất cả những gì mà người dân đánh bắt được, từ cá linh, cá chạch, lươn đến tôm, cua, ốc… Mỗi ngày, chị mua khoảng 100 kg cá các loại để cung cấp cho một số tỉnh miền Tây và TP Hồ Chí Minh. Nhu cầu của khách hàng rất lớn, có bao nhiêu là họ lấy bấy nhiêu, giá cả ổn định.
Chị Trần Thị Diễm cho hay, khoảng mùng 10/10 âm lịch, nước trên đồng càng rút cạn hơn nên có thể cá dưới sông sẽ càng nhiều. Khi đó, không khí đánh bắt thủy sản vào những ngày cuối mùa lũ ở Đồng Tháp rất nhộn nhịp, người dân có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày từ việc đánh bắt thủy sản.