Hội tụ đủ yếu tố thuận lợi
Các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, lợi thế lớn nhất là Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ và các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) được đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, để bổ sung cho thị trường có nhu cầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và bán dẫn vào sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nông nghiệp, du lịch...
Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ tích cực cho hai lĩnh vực này như: Ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo từ năm 2021; Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.
Theo bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ, Tập đoàn Qualcomm, công nghệ trí tuệ nhân tạo và bán dẫn đang thay đổi cả thế giới. Việt Nam không thể ở ngoài “cuộc chơi”. Việt Nam cũng đang chủ động xây dựng hệ sinh thái phát triển bền vững.
Bà Becky Fraser cho biết, công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển trong thiết bị sẽ thay đổi cuộc sống. Hơn nữa, các thiết bị được tích hợp trí tuệ nhân tạo hiện đã an toàn, bền vững và ổn định. Ở thời điểm này, công nghệ trí tuệ nhân tạo tích hợp trong laptop, xe điện, smartphone... là những mảng thị trường tiềm năng.
Trong khi đó, TS. Ettikan Karuppiah, Giám đốc/Chuyên gia công nghệ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tập đoàn NVIDIA, nhấn mạnh về thế hệ tiếp theo của Gen AI sẽ là một cuộc cách mạng. NVIDIA đang cố gắng kết nối các nhà sáng tạo (như Google, Facebook, các startup…) cùng tham gia vào tiến trình này. Theo đó, nhiều phát minh mới đã xuất hiện nhờ trí tuệ nhân tạo tạo sinh, trong đó, các công ty Việt Nam cũng tạo ra nhiều sản phẩm trí tuệ nhân tạo có giá trị thương mại.
Thách thức để bứt phá
Dù có những cơ hội, nhưng các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng Việt Nam cũng đối mặt với một số thách thức để có thể thực sự bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và bán dẫn. Cơ bản nhất là sự thiếu hụt kỹ sư chuyên nghiệp. Hiện nay, số lượng kỹ sư trí tuệ nhân tạo và bán dẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng của thị trường. Do đó, Việt Nam cần có những chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một điểm nghẽn nữa cần được tháo gỡ, đó là các chương trình đào tạo chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng công nghệ. Vì vậy, các cấp quản lý cần có những chương trình đào tạo mới, hiệu quả hơn và đưa chuẩn vào các cấp học ngay từ đầu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi lực lượng giảng viên có kinh nghiệm thực tế.
Ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch FPT IS, kiêm Chủ tịch FPT Semiconductor nhận định, trí tuệ nhân tạo và bán dẫn là 2 ngành có tốc độ tăng trưởng lớn và cần coi trọng việc đào tạo nhân lực.
Quy mô của thị trường AI và công nghiệp bán dẫn dự đoán sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Trong thị trường này, Việt Nam có nhiều lợi thế. Đây được xem là một cơ hội cho Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn đó những thách thức như thiếu hụt kỹ sư chuyên ngành, chương trình đào tạo chưa đạt yêu cầu, thiếu thiếu giảng viên có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm thực tế…
Đồng hành cùng Chính phủ thực hiện kế hoạch đào tạo 50.000 chuyên gia bán dẫn vào năm 2030, FPT thúc đẩy chương trình đào tạo, kết nối cơ hội học tập và làm việc. “Ngành bán dẫn sẽ là cơ hội rộng mở cho thanh niên trẻ Việt Nam”, chủ tịch FPT IS khẳng định.
Các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, Việt Nam cần đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực với những chương trình đào tạo chuyên nghiệp về trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành đồng thời thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và chuyển giao kiến thức bởi lĩnh vực này công nghệ mới thường xuyên được cập nhật.
Bên cạnh đó, Chính phủ có những chính sách ưu tiên trong xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, chính sách thích hợp cho các doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, như các chính sách thuế, tài chính và về sở hữu trí tuệ. Về điều này, Việt Nam cần tích cực hợp tác với các quốc gia phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và bán dẫn để học hỏi kinh nghiệm và thu hút đầu tư.
Với những lợi thế sẵn có và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nếu làm tốt, Việt Nam không chỉ phục vụ được nhu cầu nhân lực của thị trường công nghệ trong nước mà có thể cung cấp nguồn nhân lực cho cả thị trường nước ngoài, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.