Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao công tác khắc phục ứng phó với thiên tai của hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái. Tỉnh đã chủ động vào cuộc rất tích cực, có nhiều cách làm sáng tạo, mặc dù thiệt hại nặng nề nhưng đã giảm thiểu được tối đa những mất mát. Tỉnh đã chỉ đạo làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn, nhiều lực lượng chuyên nghiệp tham gia ứng cứu thể hiện sự chuyên nghiệp bài bản, hỗ trợ kịp thời cho nhân dân. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên tạo được hiệu ứng xã hội tốt, đã có nhiều đoàn cứu trợ trên cả nước cùng vào cuộc giúp đỡ hỗ trợ nhân dân Yên Bái.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc lúng túng như: việc bố trí xuồng chuyên trở bệnh nhân đến các cơ sở y tế còn thiếu, chưa đáp ứng nhanh nhu cầu của người dân, việc bố trí phân luồng giao thông chưa có sự sáng tạo, ngành giao thông chưa vào cuộc tích cực phân luồng giao thông hợp lý.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh ngay trong ngày 11/9 tỉnh cần phải mở rộng địa bàn khắc phục và hỗ trợ ra các huyện Trấn Yên, Lục Yên; một số việc chưa làm phải triển khai ngay, những việc thời gian qua làm chưa tốt tỉnh phải kịp thời rút kinh nghiệm làm chuyên nghiệp và bài bản hơn; yêu cầu tỉnh phải quyết tâm làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, những người còn mất tích, mắc kẹt. Tiếp tục làm tốt công tác di dời người dân đến nơi an toàn. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ an sinh xã hội, chú trọng đến những gia đình có người bị chết, người bị thương, người đang bị cô lập và hỗ trợ hậu cần cho những hộ dân đang gặp khó khăn.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, tỉnh Yên Bái phải đặc biệt quan tâm công tác khắc phục cơ sở hạ tầng, làm tốt công tác thống kê thiệt hại, có những thống kê theo từng lĩnh vực cụ thể để có sự theo dõi sát sao. Rà soát bố trí hợp lý các đoàn công tác của tỉnh đến cơ sở chỉ đạo hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Tiếp tục rà soát những điểm sạt lở và quan tâm ngay đến việc bố trí hợp lý quỹ đất tái định cư cho nhân dân vùng thiệt hại.
Đặc biệt, đối với thành phố Yên Bái lưu ý những điểm sạt lở, nước rút đến đâu cần có phương án xử lý, dọn dẹp vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch cho người dân. Ngành điện phải quan tâm ưu tiên cấp điện cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngay trong sáng 11/9 và có phương án cấp điện cho huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái, nước rút đến đâu phải có điện đến đó.
Ngành nông nghiệp cần quan tâm kiểm tra các điểm sạt lở, khảo sát vấn đề nước sạch, công trình thuỷ lợi rà soát có phương án sớm để khôi phục sản xuất nông nghiệp. Ngành Y tế cần quan tâm có phương án tối ưu làm tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Ngành Giao thông vận tải cần quan tâm công tác khảo sát phân luồng giao thông, từ ngày 11/9 đảm bảo giao thông thông suốt đến các địa phương; phân bổ hợp lý xuồng, máy phát điện cho các địa phương đang còn thiếu, tuy nhiên phải bố trí người biết lái đảm bảo sự an toàn.
Các cơ quan chuyên môn cần làm tốt công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và dư luận xã hội, có sự chỉ đạo chung để hỗ trợ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tác nghiệp hiệu quả…
Tại buổi làm việc, ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh đẳng định: Ngay khi cơn bão số 3 xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tập trung nhiều giải pháp, đặc biệt chỉ đạo các địa phương có phương án phù hợp sát thực tiễn để khắc phục hậu quả và hỗ trợ nhân dân hạn chế những thiệt hại do bão gây ra. UBND tỉnh đang xây dựng phương án cụ thể để khắc phục tối ưu những thiệt hại do bão gây ra. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát những thiệt hại để công tác hỗ trợ, ứng cứu sát thực tế.
Tại buổi làm việc đại diện các cơ quan đơn vị chức năng đã báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại cũng như công tác khắc phục hậu quả của hoàn lưu cơn bão số 3.
Tính đến 17h ngày 10/9, toàn tỉnh có 40 người chết và mất tích, trong đó 36 người chết do sạt lở đất. Trong đó, thành phố Yên Bái 20 người, huyện Lục Yên 10 người, Văn Yên 4 người và các huyện Trấn Yên, Văn Chấn mỗi địa phương 1 người. Toàn tỉnh có trên 22.000 ngôi nhà bị thiệt hại; trên 1.700 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn. Toàn tỉnh đã có gần 18.700 nhà bị ngập nước, trong đó có tới trên 12.000 ngôi nhà ở thành phố Yên Bái, gần 4.000 ngôi nhà tại huyện Trấn Yên, huyện Lục Yên và Văn Yên có trên 1 nghìn nhà. Đối với lĩnh vực nông nghiệp đã có trên 4.000 ha cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng; gần 2.000 con gia súc, gia cầm bị chết, trên 100 ha ao nuôi cá bị vỡ trôi và 1 số cơ sở nuôi cá tầm bị ảnh hưởng.
Về hạ tầng giao thông trên các tuyến đường tỉnh: Sạt lở taluy dương 96 vị trí, nhiều điểm nước ngập gây ách tắc nhiều, xe cơ giới không lưu thông được. Nhiều công trình công cộng cơ sở y tế, trường học bị cô lập. Bên cạnh đó cũng có nhiều thiệt hại về điện, thông tin liên lạc với trên 100 trạm BTS bị ảnh hưởng mất liên lạc, đến nay cơ bản đã khôi phục… Ước thiệt hại khoảng 195 tỷ đồng.