Ngày 5/4, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe chủ đề: “Hướng dẫn kỹ năng cấp cứu hồi sinh tim, phổi cho cộng đồng”.
Chương trình được thực hiện, nhân sự việc một điều dưỡng của Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã kịp thời cứu sống một du khách người Ấn Độ bị ngừng tuần hoàn tại quán ăn ở Đà Nẵng. Sự việc nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và cộng đồng mạng xã hội.
TS.BS Trần Song Giang, Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Qua sự việc nhân viên y tế cấp cứu kịp thời cho một trường hợp ngừng tim ngoài cộng đồng cho thấy, rất cần phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu đúng cách cho người dân. Hiện nay, ở các nước phát triển, người dân được hướng dẫn thực hành khá tốt các kỹ thuật này. Các địa điểm công cộng cũng có trang bị các máy sốc điện tự động để người dân sử dụng cứu người gặp nạn. "Từ thực tế này, Bệnh viện tổ chức chương trình hướng dẫn các kỹ thuật với mong muốn phổ biến rộng rãi tới người dân các kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản trong những tình huống cần thiết”.
Tại buổi hướng dẫn, TS.BS Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã cung cấp các kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu và thực hành những tình huống cụ thể. Bác sĩ hướng dẫn chi tiết từ cách phát hiện các dấu hiệu cần cấp cứu, đến thực hiện các động tác hồi sinh cơ bản…
Dẫn chứng qua các tình huống tai nạn trong cộng đồng đã từng xảy ra, BS. Ngô Đức Hùng phân tích tình huống và cách thức mà người dân đã xử lý, rút kinh nghiệm những trường hợp đáng tiếc khi người dân chưa có kiến thức đầy đủ về sơ cứu người bị nạn.
Về các bước tiến hành sơ cấp cứu trong các tình huống, BS. Ngô Đức Hùng hướng dẫn: Khi tiếp cận các trường hợp cần cấp cứu, chúng ta cần đánh giá hiện trường xem có các yếu tố nguy hiểm nào không, để bảo đảm an toàn cho người bệnh. Tiếp đến là đánh giá ban đầu tình trạng người bị nạn; gọi trợ giúp từ các cơ quan y tế, cơ quan cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, người dân thực hiện sơ cứu và vận chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế.
Khi sơ cứu cho nạn nhân, người dân chú ý:
- Xác định các yếu tố nguy hiểm xung quanh, ví dụ: Điện giật, ngạt khí... để xử trí.
- Đánh giá đáp ứng của người bị nạn.
- Luôn chú ý đến cột sống của nạn nhân trong bất cứ loại tai nạn nào; luôn luôn phải cố định cột sống của nạn nhân, cho đến khi nhân viên y tế đến và loại trừ các tình huống liên quan đến chấn thương cột sống.
- Luôn chú ý đến đường thở, nhịp thở, mạch của nạn nhân để phát hiện sớm các dấu hiệu nạn nhân ngừng thở, các dấu hiệu hôn mê, mất mạch, ngừng tim để thực hiện các động tác hồi sinh tim phổi cơ bản.
Nếu nạn nhân có các dấu hiệu ngừng tuần hoàn như: Thở ngáp hoặc không thở; không sờ thấy mạch ở cổ và bẹn; tím tái, cần thực hiện quy trình hồi sinh tim phổi ngay lập tức.
Cụ thể, quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản gồm các bước:
- Kiểm soát đường thở cho nạn nhân.
- Hỗ trợ hô hấp: Hô hấp nhân tạo miệng - miệng, miệng - mũi hoặc bóp bóng qua mặt nạ (oxy 100% nếu có) bằng công thức: Thổi hơi vào chậm 1,5-2 giây; chờ 3-4 giây cho bệnh nhân thở ra. Nhịp hô hấp nhân tạo là 8-10 lần/phút.
- Hỗ trợ tuần hoàn cho nạn nhân bằng cách ép tim ngoài lồng ngực.