Ngày 29/9, tại Hội nghị khoa học Da liễu miền Nam 2024 do Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh phối hợp Liên chi hội Da liễu TP Hồ Chí Minh tổ chức, ThS.BS Lê Thảo Hiền đã thông tin về các trường hợp tai biến do xăm mình mà bệnh viện tiếp nhận trong thời gian gần đây, đồng thời đưa ra cảnh báo về những tai biến sau xăm mình.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nam 14 tuổi (ngụ Đồng Nai) nghe lời quảng trên facebook và đã thuê một “thợ xăm” về nhà để xăm lên ngực. Sau xăm 1 tháng, bệnh nhân thấy vùng xăm nổi lên nốt màu trắng và sau đó lan nhiều hơn nên đến Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh để khám.
Qua thăm khám, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bị u mềm lây sau xăm mình. U mềm lây là một trong những tai biến do virus sau xăm. Theo đó, bệnh nhân đã được điều trị bằng cách nạo lấy thương tổn trên da và sau 1 tuần da lành tốt.
Trường hợp thứ 2 là một bệnh nhân nữ 36 tuổi đi xăm hồng quầng vú ở một spa gần nhà. Sau xăm, bệnh nhân thấy đau rát nhiều. Sau vài ngày, vùng xăm rỉ dịch vàng liên tục và một vài chỗ đóng mài màu mật ong kèm đau rát nhiều hơn nên đến bệnh viện khám.
Sau thăm khám, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán viêm da nhiễm trùng và được kê toa kháng sinh uống, kháng viêm uống và thuốc bôi. Sau 1 tuần thì vùng xăm khô lại và giảm đau rát.
Bác sĩ Lê Thảo Hiền cho biết, tai biến cấp tính thường xuất hiện sau xăm vài ngày đến vài tuần và được chia thành các nhóm phản ứng viêm sau xăm như: viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da do ánh sáng, đợt bùng phát của một số bệnh da viêm - tự miễn (vảy nến, bạch biến, lichen phẳng..), nhiễm trùng (như vi khuẩn, virus, nấm) và nặng nhất là tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân.
Còn tai biến mạn tính xuất hiện sau xăm vài tháng đến vài năm và được chia thành các nhóm như: nhiễm vi khuẩn lao điển hình hoặc không điển hình; phát ban dạng sẩn nốt; phản ứng u hạt; sẹo (sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo xấu) và thậm chí là ung thư da.
Nguyên nhân gây các tai biến nhiễm trùng là do quy trình xăm không tuân thủ nguyên tắc vô trùng, da sau xăm không được chăm sóc đúng cách. Tai biến do các phản ứng viêm chủ yếu là do cơ địa dị ứng với chính chất liệu và màu của mực xăm, một số trường hợp là do cơ thể đã có sẵn bệnh da viêm tự miễn nhưng chưa được điều trị tốt như vảy nến, bạch biến… Ngoài ra, sẹo sau xăm là do thợ xăm đã xăm mực quá sâu vào trong da, cơ địa sẹo lồi sẵn có của người được xăm.
Để phòng ngừa các tai biến do xăm mình, bác sĩ Lê Thảo Hiền khuyến cáo người dân cần chọn một cơ sở xăm uy tín, đã được cấp phép hoạt động. Hạn chế xăm quá nhiều màu mực, các màu mực dễ gây dị ứng như đỏ, cam, tím. Sau khi xăm cần phải giữ vệ sinh da tốt, bôi các thuốc để lành da và phòng ngừa nhiễm trùng. Tránh để hình xăm tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong vòng ít nhất 1 - 2 tháng sau xăm. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường cần đến khám bác sĩ da liễu sớm để điều trị tai biến.
Hội nghị khoa học Da liễu miền Nam 2024 với chủ đề “Những tiến bộ hiện nay trong chuyên ngành da liễu” diễn ra trong hai ngày 28 và 29/9 tại TP Hồ Chí Minh, đã thu hút gần 1.000 khách mời; trong đó có các báo cáo viên đến từ các bệnh viện: Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh, Liên chi Hội da liễu TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Da Liễu Trung ương, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bệnh viện Da Liễu Hà Nội, Bệnh viện Da Liễu thành phố Cần Thơ, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh…
Hội nghị gồm 2 phiên toàn thể và 8 phiên đồng thời về các vấn đề: Da liễu thẩm mỹ, Bệnh da mạn tính, Cá thể hóa trong điều trị các bệnh da liễu, Các kỹ thuật, thủ thuật cải tiến và Phẫu thuật da. Đặc biệt, 2 phiên tiếng Anh “Clinical Pearls in Dermatology” mang tính thực hành lâm sàng qua chia sẻ và tương tác giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế.