Theo bà Nguyễn Thị Hung (sinh năm 1961, quê ở tỉnh Hậu Giang), gần 5 năm nay, hai mẹ con bà từ miền Tây lên làm nghề kéo gạch thuê cho một lò gạch ở ấp Tân Hữu, xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc. Do hoàn cảnh khó khăn, chủ lò gạch đã tạo điều kiện cho hai mẹ con ở tại lò gạch. Tuy nhiên khoảng 3 tháng nay, bà luôn trong tình trạng nôn ói, không ăn uống được nên đã đi khám để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Ngày 29/5, bà Hung đi khám tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. Qua kiểm tra, các bác sĩ của bệnh viện xác định bệnh nhân bị thoát vị hoành, đây là một căn bệnh hiếm gặp và bắt buộc phải điều trị triệt để. Nhưng do không đủ chi phí phẫu thuật, bệnh nhân đã từ chối điều trị và chỉ lấy thuốc về để điều trị cầm cự.
Bà Nguyễn Thị Hung cho biết, Các bác sĩ của bệnh viện đã chụp CT miễn phí cho bà, để tìm nguyên nhân gây bệnh. Khi tìm ra được bệnh, các bác sĩ thuyết phục bà phẫu thuật nhưng do lo sợ không có tiền trả viện phí và phải tạm hoãn công việc đang làm tại lò gạch nên bà đã từ chối điều trị.
“Thuyết phục bệnh nhân thực hiện phẫu thuật không được, tôi đã kê các loại thuốc tốt để bệnh nhân có thể cầm cự đối chọi với căn bệnh, tránh cho bệnh có thể nặng thêm. Nhưng khi bệnh nhân ra về, tôi vẫn thấy không yên tâm vì bệnh nhân phải mổ mới triệt để, uống thuốc chỉ là tạm thời nên đã quyết định trình bày hoàn cảnh với Ban Giám đốc bệnh viện để tìm hướng xử lý”, bác sĩ Lương Thị Bình, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, người trực tiếp khám cho bệnh nhân cho biết.
Theo đó, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã lập tức điều xe đi tìm bệnh nhân về để điều trị. Tuy nhiên, không ai trong bệnh viện biết rõ địa chỉ của bệnh nhân mà chỉ biết bệnh nhân ở lò gạch của xã Tân Hữu, huyện Xuân Lộc.
Ông Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho hay: “Chúng tôi phải tìm lại hồ sơ để xác định nơi ở của bệnh nhân. Bệnh nhân Hung ở rất xa bệnh viện. Khi được tìm thấy, bà Hung đang lên cơn đau. Chúng tôi lập tức đưa bà vào bệnh viện và mổ ngay trong đêm 30/5”.
Các bác sĩ đã tiến hành mổ đưa dạ dày về lại ổ bụng và tái tạo lại cơ hoành. Khó khăn của ca này là khi giải phóng khối thoát vị, sẽ gây ra lỗ hổng ở cơ hoành. Lỗ hổng lớn khiến việc khâu lại cơ hoành khó, phải dùng mảnh ghép nhân tạo để bít lại. Bên cạnh đó, phẫu trường để đưa dạ dày vào ổ bụng sâu nên khó khăn khi đưa dạ dày xuống dưới.
Theo ông Phan Văn Huyên, đây là một bệnh hiếm gặp, khó chẩn đoán, dễ nhầm sang bệnh lý khác và dễ bỏ sót. Ở bệnh nhân Hung, cơ hoành bị khiếm khuyết nên dạ dày thoát vị một phần từ ổ bụng lên nằm ở khoang lồng ngực bên trái, do đó bệnh nhân thường xuyên nôn ói, không ăn được.
Nhiều năm qua, khối thoát vị ít nên bệnh nhân không có triệu chứng, chỉ đau âm ỉ giống đau dạ dày. Càng ngày khối thoát vị càng lớn nên bệnh nhân càng nặng, không ăn uống được, nôn khi ăn.
Hiện bệnh nhân đã hồi phục tốt, ăn uống được và dự kiến sẽ xuất viện vào ngày 11/6.