Bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU) cho biết, nghệ sĩ Thanh Tuấn được gia đình đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu đã trong tình trạng hôn mê, ngừng tim. Ngay sau đó, bệnh viện đã bật báo động đỏ, hội chẩn khẩn cấp, chẩn đoán sơ bộ nhồi máu cơ tim cấp.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu thông tin về tình trạng sức khoẻ của nghệ sĩ cải lương Thanh Tuấn.
Qua khai thác bệnh sử, nghệ sĩ Thanh Tuấn đã có tiền sử bệnh hẹp mạch vành và bệnh tim thiếu máu cục bộ. Trước nhập viện một ngày (25/3) nghệ sĩ Thanh Tuấn xuất hiện các triệu chứng như bị đau ngực, khó thở ngày càng tăng. Ngay sau đó gia đình đã gọi cho cấp cứu đưa nghệ sĩ đến bệnh viện cấp cứu.
Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, nghệ sĩ Thanh Tuấn được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, thiếu oxy não sau ngừng tim và suy đa cơ quan. Ngay sau đó, ông được chuyển vào khoa ICU khi đã hôn mê sâu, huyết áp tụt, phù phổi, rối loạn nhịp tim và được điều trị hạ thân nhiệt bảo vệ não; đồng thời hội chẩn liên chuyên khoa gồm: khoa ICU, Tim mạch can thiệp; Nội tim mạch; Rối loạn nhịp; Nội hô hấp và Nội thần kinh.
Qua hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ quyết định tiến hành thiết lập ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể) cấp cứu kết hợp can thiệp mạch vành ngay tại phòng thông tim. Tại đây, kết quả chụp mạch vành cũng phát hiện mạch máu nghệ sĩ Thanh Tuấn bị vôi hóa rất nặng, hẹp 90% động mạch LCx1…
Nghệ sĩ Thanh Tuấn hồi phục tốt, dự kiến sẽ được xuất viện vào cuối tuần này.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã thiết lập hệ thống ECMO cấp cứu kết hợp với can thiệp mạch vành ngay tại phòng thông tim. Bên cạnh đó, kết quả chụp mạch vành cũng phát hiện mạch máu nghệ sĩ bị vôi hóa rất nặng, hẹp 90% động mạc LCx1… Ngay lập tức êkíp đã dùng thiết bị rotablator mũi khoan phủ kim cương để khoan cắt mảng vôi hóa, sau đó tiến hành nong bóng và đặt 3 stent để tái thông dòng máu.
Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực tại ICU duy trì ECMO, thở máy, lọc máu liên tục và kiểm soát nhiệt độ để bảo vệ não.
Bác sĩ Trương Phi Hùng, Phó khoa Nội tim mạch nhận định, đây là một ca khó, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa. Khi một ca bệnh có nhồi máu cơ tim mà có biến chứng ngưng hô hấp tuần hoàn, biến chứng choáng tim, tỷ lệ tử vong là 80 - 90% nếu không xử trí kịp thời. Song song đó, điều khó khăn hơn là phải can thiệp trên ca bệnh vôi hoá, san thương đẩy không đi, ngoằn ngoèo với thời gian gấp rút, nếu làm chậm bệnh nhân có khả năng tử vong. Êkíp cố gắng cứu sống và bảo tồn những chức năng của não bệnh nhân. Nghệ sĩ Thanh Tuấn may mắn khi sở hữu cột hơi dài, khi ngưng tim vẫn nín thở được để hồi sức.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Ích Trung, Phó khoa Can thiệp tim mạch, kỹ thuật khoan cắt mảnh vôi hoá bằng rotablator mũi khoan phủ kim cương đã được Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai vào những năm 2013. Hiện tại, tỷ lệ ca khoan cắt ở Chợ Rẫy là cao nhất phía Nam. Chi phí mỗi ca rơi vào khoảng 48 triệu đồng, được BHYT chi trả toàn bộ.
"Kỹ thuật này có nguy cơ biến chứng, bởi tốc độ mũi khoan trung bình 160.000 - 200.000 vòng/phút; mũi khoan rộng khoảng 3 li và đi trong lòng mạch máu, có thể gây vỡ mạch máu. Do đó, người thực hiện kỹ thuật này phải dày kinh nghiệm nên chưa triển khai rộng rãi ở nhiều đơn vị", bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Ích Trung thông tin thêm.
"Các bác sĩ đã dám nghĩ dám làm. Nếu họ chỉ muốn an toàn cho bản thân thì ca này sẽ không có kết quả tốt như vậy. Các bác sĩ đã cứu bệnh nhân trong tâm thế không còn đường lui, bằng mọi giá phải thông được mạch máu, đặt được stent. Lực ép của cơ tim lúc này rất thấp, nếu đưa bệnh nhân vào phòng mổ để mổ hở có thể sẽ vụt mất cơ hội", bác sĩ Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá.
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện sức khỏe của nghệ sĩ Thanh Tuấn hồi phục tốt, tỉnh táo, huyết động ổn định và dự kiến sẽ được xuất viện vào cuối tuần này.