Hướng dẫn triển khai thanh toán thuốc mua ngoài cho người bệnh có thẻ BHYT

Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn có tình trạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng không đầy đủ, không kịp thời cho người bệnh.

Chú thích ảnh
Hội thảo phổ biến Thông tư số 22 do Bộ Y tế tổ chức. 

Tại Hội thảo phổ biến Thông tư số 22 về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đi khám bệnh, chữa bệnh và xin ý kiến các quy định thanh toán bảo hiểm y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 30/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn có tình trạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng không đầy đủ, không kịp thời cho người bệnh.

Điều này dẫn đến tình trạng người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài cơ sở khám, chữa bệnh. Thực tế, tại bất kỳ thời điểm nào, việc thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn có thể xảy ra bởi những nguyên nhân khách quan như: Đã thực hiện đấu thầu, nhưng không có đơn vị trúng thầu; hoặc đã ký hợp đồng cung ứng với nhà thầu, nhưng tại thời điểm chỉ định thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế cho người bệnh, nhà cung cấp không cung ứng được do thiếu nguồn cung hay hàng hóa về chậm…

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hiện nay đã có các quy định về thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh giữa cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) và người tham gia BHYT đối với trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT và khám chữa bệnh không đúng trình tự thủ tục theo quy định.

Thông tư số 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh, nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT, khi cơ sở khám chữa bệnh không có thuốc, thiết bị y tế sử dụng cho người bệnh.

Thông tư 22 cũng quy định cụ thể các trường hợp quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh, gồm có: Thuốc thuộc Danh mục thuốc hiếm, Thiết bị y tế loại C hoặc D, trừ thiết bị y tế chẩn đoán in vitro, thiết bị y tế đặc thù cá nhân.

Về điều kiện thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế cho người có BHYT đi khám chữa bệnh, được quy định chặt chẽ, khả thi trong các trường hợp không có thuốc, thiết bị y tế do các nguyên nhân bất khả kháng. Các quy định tại Thông tư vẫn đảm bảo trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh trong mua sắm, đấu thầu và cung ứng thuốc cho người bệnh.

Đồng thời, Thông tư này cũng quy định các nội dung khác như: Quy định mức thanh toán trực tiếp, hồ sơ, thủ tục thanh toán thuốc, thiết bị y tế, trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện Thông của các đơn vị liên quan…

Tại hội thảo, các đơn vị, bệnh viện cũng nêu ra những thắc mắc, những vấn đề khó khăn cần được tháo gỡ khi triển khai Thông tư mới như: Việc chỉ định kê đơn, việc thanh toán theo tên thuốc hay hoạt chất, quy trình thanh toán…

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Thông tư 22 ra đời để giải quyết trong trường thiếu thuốc, thiết bị y tế, cho nên không ai mong muốn phải áp dụng; nhưng phải ban hành để có cơ sở pháp lý xử trí khi xảy ra các tình huống này. Các đơn vị có trách nhiệm phải đảm bảo công tác mua sắm, đầu thầu, đảm bảo đủ thuốc để không phải kê đơn cho người bệnh mua ngoài. Đây mới chỉ là một bước gỡ khó, là giải pháp tình thế trong một giai đoạn ngắn”.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
BHYT chi trả cho lĩnh vực y học cổ truyền vẫn còn thấp
BHYT chi trả cho lĩnh vực y học cổ truyền vẫn còn thấp

Theo các chuyên gia, Việt Nam có thế mạnh về y học cổ truyền. Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân sử dụng các dịch vụ y học cổ truyền tăng lên. Tuy nhiên con số BHYT chi trả cho lĩnh vực này vẫn còn rất thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN