Nghị định số 75/2023/NĐ-CP: Thêm nhiều quyền lợi cho người tham gia BHYT

Ngày 16/11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (bảo hiểm y tế) bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Y tế đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố và hàng trăm bệnh viện trên cả nước.

Chú thích ảnh
Cán bộ Bảo hiểm Xã hội giám sát chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa Thái Nguyên. Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN

Gỡ "nút thắt" trong thanh toán chi phí khám bệnh

Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Nghị định có các quy định mang tính đột phá, gỡ được các "nút thắt" vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Nghị định đã bổ sung đối tượng và hỗ trợ mức đóng tham gia bảo hiểm y tế đối với người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; người dân tộc thiểu số mới thoát nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng.

Nghị định cũng bổ sung, nâng mức hưởng bảo hiểm y tế trong đó nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng. Đặc biệt, Nghị định 75 đã có thay đổi quan trọng trong việc quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ ngày 1/1/2019.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tới cơ sở khám chữa bệnh để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm nhưng không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp vượt số dự kiến chi.

"Các quy định mang tính chất đổi mới của Nghị định thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế", lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.

Nhiều đổi mới trong thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người dân cần xuất trình giấy tờ gì; nếu quá lịch hẹn tái khám thì sẽ được giải quyết như thế nào... là một số nội dung được các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước rất quan tâm tại Hội nghị.

Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), trước đây, người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì cần xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh, trường hợp không có ảnh thì phải xuất trình kèm theo một trong các giấy tờ tuỳ thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.

Nghị định 75 quy định, khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người dân có ba lựa chọn gồm: Xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh hoặc thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ chứng minh nhân thân hoặc sử dụng căn cước công dân có gắn chip.

Đối với giấy hẹn khám lại, nếu như trước đây quy định loại giấy tờ này chỉ dùng trong 10 ngày thì trong quy định mới, nếu không thể tái khám đúng hẹn, người dân có thể liên hệ với cơ sở khám chữa bệnh để đăng ký lại lịch khám phù hợp. Trường hợp đến tái khám muộn hơn 10 ngày thì giấy này không còn giá trị sử dụng. Người dân phải đăng ký khám mới lại. Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, quy định này giúp người bệnh đảm bảo lịch tái khám đúng hẹn, nếu quá thời gian này sẽ ảnh hưởng đến chính sức khoẻ của người bệnh.

Một nội dung cũng được các đại biểu quan tâm là thanh toán theo giá dịch vụ. Nghị định 75 sửa đổi nội dung trên theo nguyên tắc: Chi phí dịch vụ khám bệnh, chi phí dịch vụ ngày giường bệnh và chi phí dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi được hưởng, mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh, mức giá theo quy định hiện hành.

Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc sử dụng trong các dịch vụ kỹ thuật chưa được ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi được hưởng, mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng, giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Tại hội nghị, chuyên gia, nhà quản lý đến từ các vụ, cục chuyên môn của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải đáp nhiều nội dung phát sinh từ thực tế tại các địa phương liên quan đến Nghị định 75.

Bích Thủy (TTXVN)
Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến ngày 19/7, toàn quốc đã có trên 26,3 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có trên 713 nghìn người với gần 1,3 triệu lượt sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây là một trong những kết quả ngành này có được sau thời gian nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN