Bác sĩ chuyên khoa I Dương Hải Minh, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch S.I.S Cần Thơ cho biết: Kén khí phổi hay còn gọi là kén khí ở phổi là bệnh lý hiếm gặp và thường không gây ra những triệu chứng rõ ràng. Trường hợp không được điều trị kịp thời có thể xảy ra vỡ kén, dẫn tới tràn dịch màng phổi và gây nguy hiểm cho người bệnh.
Kén khí phổi có thể do dị tật bẩm sinh ở phổi gây ra hoặc cũng có thể do mắc phải. Tình trạng dị tật bẩm sinh ở phổi này khá hiếm gặp. Quá trình cấu tạo thành phổi đã xảy ra lỗi ngay từ khi còn là bào thai. Trong phổi có nhiều nang tuyến nhỏ nhưng không có nhu mô. Phần lớn những nang này đều có cấu trúc đơn giản, chỉ có một lớp bao bọc kén khí bên trong. Chính vì cấu trúc đơn giản nên những nang này không thực hiện được các chức năng hô hấp. Dị tật này không liên quan đến yếu tố di truyền.
Kén khí phổi do một số bệnh lý mắc phải là những trường hợp mắc bệnh thứ phát do một số bệnh lý như: Áp xe phổi hoặc rách phổi vì chấn thương; nhiễm trùng có tạo kén do nhiễm sán chó, do bệnh nấm phổi, lao phổi…; khí phế thũng phổi do các bệnh lý như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)...
Kén khí phổi là bệnh nguy hiểm vì ảnh hưởng trực tiếp lên đường thở, gây suy hô hấp, khi vỡ ra gây tràn khí màng phổi và dẫn đến tử vong… nhưng lại không có triệu chứng gì đặc biệt, thậm chí có những bệnh nhân đã sống chung với bệnh trong nhiều năm mà không hề hay biết. Rất nhiều người bệnh tình cờ được chẩn đoán trong các cuộc khám sức khỏe định kỳ.
Khi kén phát triển to lên sẽ gây chèn ép vào các cơ quan lân cận hoặc bị nhiễm khuẩn gây mủ, khiến người bệnh cảm thấy bất thường và đi khám. Lúc này, mới phát hiện ra bệnh. Tuy nhiên, kén khí phổi có thể bị chẩn đoán nhầm qua một số bệnh về phổi khác như tràn khí màng phổi, giãn phế quản, lao phổi hoặc áp xe phổi. Do đó, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và chỉ định chụp phế quản hoặc chụp CT cắt lớp mới xác định đúng bệnh.
Đối với trường hợp ông T.V.T, sau khi hội chẩn với các chuyên khoa tim mạch, hô hấp, gây mê hồi sức và phẫu thuật viên lồng ngực, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt kén khí. Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện kén khí khổng lồ đã chèn ép nhiều vùng phổi lành. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hụt hơi, khó thở ngày càng nặng ở bệnh nhân, ngay cả khi nghỉ ngơi không vận động mạnh. Ca phẫu thuật nội soi bệnh nhân T.V.T kéo dài khoảng 2 giờ, toàn bộ kén khí được loại bỏ.
Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, tình trạng đau lói ngực và khó thở được cải thiện rõ rệt, phổi giãn nở tốt.
Qua trường hợp này, Bác sĩ Dương Hải Minh khuyến cáo người dân nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế có đầy đủ thiết bị kỹ thuật. Đặc biệt, những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh phổi như hút thuốc lá và các bệnh phổi mạn tính cần thường xuyên tầm soát, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các thai phụ cũng cần khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để giúp phát hiện sớm những bất thường ở thai nhi, trong đó bao gồm một số dị tật bẩm sinh ở phổi.