Phú Thọ: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại hệ thống y tế cơ sở

Những năm gần đây, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngày càng được củng cố, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế, góp phần làm giảm quá tải cho tuyến trên, giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh.

Chú thích ảnh
Khám bệnh cho người dân tại Trạm y tế xã Xuân Sơn. Ảnh: tanson.phutho.gov.vn

Nơi tuyến đầu, phòng, chống dịch

Sau hơn hai tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe cơ giới, chúng tôi có mặt tại Trạm y tế xã Xuân Sơn, huyện miền núi Tân Sơn. 7 giờ sáng vậy mà ánh nắng vẫn chưa xuyên được qua những tán cây cổ thụ trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Trời đã chuyển sang Xuân, cái lạnh của miền sơn cước không còn buốt thấu da thấu thịt như trước, nhưng vẫn làm cho đôi má của những đứa trẻ ửng hồng vì rét. Đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói, chị Nguyễn Thị Thanh Yên, Trưởng Trạm y tế xã Xuân Sơn cho biết, hôm nay là ngày tiêm chủng cho trẻ em, nên người dân tranh thủ đến sớm để còn kịp về đi làm. 

Trong câu chuyện nghề, chuyện đời, chị Yên chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm không bao giờ quên đó là cách đây 5 năm trước (2018), xã Xuân Sơn bị ảnh hưởng nặng bởi bão số 3 (Sơn Tinh), mưa lớn liên tục nhiều ngày. Trạm có ba người đều phải túc trực 24/24h. Hôm đó, khoảng 14h, trạm nhận được điện của gia đình sản phụ Hà Thị Thu Thương ở khu Lạng mang thai 30 tuần đau bụng băng huyết do rau tiền đạo. Mưa to gió lớn, đường bị vùi lấp nhưng nhận định tình trạng nguy cấp, các cán bộ y tế không ngần ngại xuống nhà sản phụ sơ cứu ban đầu rồi khẩn trương cùng người nhà cáng võng đưa đi cấp cứu. Sau đó sản phụ sinh được bé trai nặng 2,7kg. Cả mẹ và con đều khỏe sau sinh.

Một trường hợp nữa mà đến giờ nhắc lại chị Yên cùng cán bộ ở trạm y tế vẫn nhớ như in, đó là vào 4h, trung tuần tháng 2/2019, có ba người trong một gia đình từ khu Dinh, xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đưa chị Bàn Thị Thảo sang Trung tâm y tế huyện Tân Sơn để đẻ, chẳng may trở dạ dọc đường, được bà con đưa vào trạm trong tình trạng nguy kịch, sản phụ bị băng huyết. Chị Yên xúc động nhớ lại: “Chúng em vừa đỡ đẻ, vừa truyền máu và cầm máu ở động mạch chủ. Máu chảy nhiều, đứa trẻ lại bị ngạt. Nhận định đây là ca phức tạp, chúng em đã gọi điện về Trung tâm y tế huyện xin trợ giúp. May thay sản phụ và đứa trẻ đã qua cơn nguy kịch và được chuyển về Trung tâm chăm sóc, theo dõi”…

Chị Nguyễn Thị Thanh Yên, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Xuân Sơn cho biết, hiện trạm y tế xã có bốn cán bộ, nhân viên, nhưng phải đảm nhận khối lượng công việc nhiều, tần suất hoạt động ngày rất lớn. Cùng với đó cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, chưa động bộ. Trung bình một cán bộ y tế phải phải phụ trách 4 thôn, bản với hàng trăm hộ gia đình, đồng thời cùng lúc phải kiêm nhiệm nhiều công việc, từ tiêm phòng, phòng, chống dịch đến khám, chữa bệnh... nhưng bất kể xa gần, ngày hay đêm, có dịch, bệnh, người ốm đau là cán bộ, nhân viên y tế đều sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Theo chị Yên, xã Xuân Sơn gần 90% là đồng bào dân tộc Dao và Mường, địa bàn đi lại khó khăn, bên cạnh đó đa số người dân chưa ý thức được công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện vệ sinh môi trường. Không ít người khi ốm đau không đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; tự uống thuốc tại nhà nên rất nguy hiểm đến tính mạng… Tư tưởng, nhận thức đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nên các cán bộ, nhân viên y tế của trạm y tế gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức giáo dục sức khỏe cho người dân.

 Nhất là trong đợt dịch COVID - 19, chị và cán bộ y tế xã đã phải đi từng ngõ, gõ từng nhà tư vấn cho người dân từ những điều đơn giản nhất như phải uống nước đun sôi, rửa tay sạch bằng xà phòng, đeo khẩu trang đúng cách, khai báo y tế theo quy định, đến việc ngủ phải mắc màn, thực hiện nghiêm việc tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ em; vận động áp dụng các biện pháp đẻ sạch, kế hoạch hóa gia đình, nuôi con bằng sữa mẹ, phòng dịch bệnh, vệ sinh môi trường, thực hiện ba công trình vệ sinh... “Mưa dầm thấm lâu”, qua những buổi nói chuyện, tư vấn của cán bộ y tế, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở Xuân Sơn ngày càng được nâng lên. Mỗi khi có người nhà bị bệnh, họ đã tin tưởng đưa người bệnh đến trạm y tế. Từ lúc chỉ vài trăm người đến khám, chữa bệnh mỗi năm, đến nay Trạm Y tế xã Xuân Sơn khám, chữa bệnh cho hàng nghìn lượt người dân trong xã mỗi năm. Riêng năm 2022, Trạm đã khám, chữa bệnh cho 1.200 lượt người có thẻ bảo hiểm y tế và 3.500 lượt người khám dự phòng.

Rào cản vượt tuyến vững chắc

Theo Sở Y tế Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 1.209 cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại 225 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mặc dù nhiều trạm thiếu hụt về nguồn nhân lực, song với nỗ lực vượt khó, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công việc của đội ngũ y tế cơ sở, công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh, kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng, thuốc thiết yếu đều đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

Nhất là công tác tiêm chủng thường xuyên cho trẻ và phụ nữ được thực hiện hiệu quả; việc phòng chống lao được triển khai đồng bộ; duy trì tốt việc sàng lọc phát hiện, quản lý điều trị chăm sóc phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần định kỳ tại cộng đồng. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em từng bước được nâng cao.

Ông Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Sở Y tế cho biết, chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế đang từng bước được nâng lên. Nhất là công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm được nhiều trạm y tế triển khai rất hiệu quả. Chỉ trong năm 2022, đã 25 xã 25 xã của 5 huyện Yên Lập, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tam Nông, thị xã Phú Thọ đã tổ chức khám sàng lọc tăng huyết áp tại tại cộng đồng cho 6.000 người. Kết quả phát hiện 750 người có nguy cơ tăng huyết áp, tư vấn lên tuyến trên khám xét nghiệm chẩn đoán và điều trị.

Đã có 15 xã thuộc 3 huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hòa tổ chức khám sàng lọc đái tháo đường cho 3.300 lượt người, trong đó có 1.050 người được làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết lúc đói, phát hiện 900 người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường và đã được tư vấn lên tuyến trên xét nghiệm khẳng định, đưa vào quản lý điều trị. Nhiều trạm y tế xã, phường còn lập hồ sơ quản lý theo dõi tư vấn, hướng dẫn điều trị cho số bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.

Theo ông Ngọc, chất lượng khám chữa bệnh cơ sở không ngừng được nâng cao, hàng năm các cơ sở y tế công lập đã tổ chức khám và điều trị cho trên hai triệu lượt người, trong đó có khoảng 30% thực hiện tại các trạm y tế. Tất cả các trạm đều duy trì khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện sơ cứu, cấp cứu chuyển tuyến, giải quyết một số bệnh thường gặp, một số bệnh mãn tính không lây phải điều trị suốt đời, đã góp phần giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên, giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh và ổn định cho quỹ bảo hiểm y tế.

Theo ông Ngọc, mặc dù cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ngày càng được quan tâm đầu tư, song cơ sở một số trạm đã xuống cấp; chất lượng khám, chữa bệnh còn hạn chế; danh mục thuốc ở một vài thời điểm còn thiếu; chất lượng thực hiện nhiệm vụ ở một sỗ trạm chưa đồng đều, việc thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực là bác sỹ đa khoa về công tác tại các trạm còn gặp nhiều khó khăn…

Để giải quyết những nguyên nhân này, ngành y tế tiếp tục nâng cao năng lực, phát huy vai trò hệ thống y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân một cách toàn diện, đồng bộ; tăng cường giám sát, hỗ trợ về chuyên môn, kỹ năng sử dụng các thiết bị, dụng cụ y tế; thu hút nhân lực có trình độ đại học trở lên về công tác tại tuyến cơ sở. Đặc biệt đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số có chất lượng, hiệu quả trong ngành Y tế nhằm giúp quản lý tình hình sức khỏe của người dân tốt hơn.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Phú Thọ đảm bảo 100% trạm y tế tuyến xã có bác sĩ phục vụ, trong đó ít nhất 30% có trình độ sau đại học; 100% trạm y tế tuyến xã có hộ sinh cao đẳng hoặc y sỹ sản nhi; kiện toàn đội ngũ y tế thôn bản có trình độ chuyên môn từ sơ cấp trở lên. Đồng thời tỉnh cũng xây mới, cải tạo đảm bảo 100% trạm y tế tuyến xã đạt tiêu chí quốc gia giai đoạn mới; đổi mới cơ chế và phương thức hoạt động của Trạm y tế tuyến xã theo nguyên lý y học gia đình để chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý sức khoẻ người dân trên địa bàn một cách toàn diện...

Đào An- Thúy Hằng (TTXVN)
 Các cơ quan báo chí chủ lực gặp mặt, tri ân cán bộ ngành y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Các cơ quan báo chí chủ lực gặp mặt, tri ân cán bộ ngành y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2

Tại Chương trình gặp mặt, tri ân cán bộ y tế nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, các cơ quan báo chí và ngành Y tế đã có những chia sẻ, trao đổi về sự đồng hành, phối hợp; tôn vinh những đóng góp của ngành Y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN