Theo thông tin từ bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) ngày 18/7, bệnh viện vừa thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc (ghép tủy) với phương pháp lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ âm 80 độ C. Bệnh nhân đầu tiên được ứng dụng phương pháp này đó là ông Dương Văn Quang (50 tuổi, ngụ Phan Thiết, Bình Thuận).
Vào khoảng giữa năm 2016 ông Quang bị nổi hạch vùng cổ. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng không giảm, ông Quang đã đến khám tại bệnh viện Chợ Rẫy với các biểu hiện như sốt, sụt cân, khó thở và đã có hạch toàn thân. Các hạch to xuất hiện nhiều ở cổ, nách, bẹn, với kích thước khoảng 3x4 cm; hạch di động và không đau. Qua khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thu hạch - đây là một dạng của ung thư máu.
Ông Quang là bệnh nhân đầu tiên được thực hiện ghép tế bào gốc bằng phương pháp mới. |
Sau khi tư vấn kỹ cho bệnh nhân, các bác sỹ tiến hành tách tế bào gốc và lưu trữ trong dung dịch HES 12%/DMSO 10%/Albumin 8% ở nhiệt độ âm 80 độ C, sau đó điều trị 8 đợt hóa trị để tiêu diệt hoàn toàn tế bào ung thư. Khi tế bào ung thư bị tiêu diệt hoàn toàn, bệnh nhân được ghép trở lại tế bào gốc đã được lưu trữ trước đó. Qua hơn 1 tháng được ghép, bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe và trở về đời sống bình thường.
Bác sĩ Lê Phước Đậm, Phó Đơn vị ghép tế bào gốc, khoa Huyết học bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trước đây, có hai phương pháp lưu trữ tế bào gốc là lưu trữ ở nhiệt độ âm 196 độ C (có thể lưu trữ 20 năm) hoặc 4 - 6 độ C (chỉ lưu trữ được 72 giờ). Còn với kỹ thuật mới, bệnh viện có thể lưu trữ bảo quản tế bào gốc ở nhiệt độ âm 80 độ C kéo dài 5 năm với trang thiết bị, cũng như chi phí để thực hiện một ca ghép tế bào gốc ở nhiệt độ này ít tốn kém hơn so với hai phương pháp trên.
Theo bác sĩ Đậm, phương pháp bảo quản tế bào gốc ở nhiệt độ âm 80 độ C và âm 196 độ C đều mang lại hiệu quả ghép như nhau. Riêng phương pháp bảo quản ở nhiệt độ âm 80 độ C có thêm ưu điểm về mặt chi phí là rẻ hơn, tác dụng phụ liên quan đến dung dịch bảo quản hiếm gặp hơn. Được biết, chi phí cho một ca ghép tế bào gốc với phương pháp bảo quản âm 196 độ C khoảng 100 triệu đồng còn với phương pháp lưu trữ ở âm 80 độ C, chi phí cho một ca ghép tế bào gốc khoảng 20 - 50 triệu đồng.
Theo bác sĩ Thanh Thanh, Phó khoa Huyết học bệnh viện Chợ Rẫy, việc lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ âm 80 độ C chỉ ứng dụng cho tế bào gốc máu ngoại vi, không lưu trữ được máu cuống rốn. Vì vậy, đây là phương pháp hiệu quả đối với điều trị cho bệnh nhân cần lấy tế bào gốc để ghép ngay.
Tại Việt Nam, những nghiên cứu, ứng dụng việc ghép tế bào gốc đã bắt đầu từ những năm 1995. Hiện cả nước có 10 bệnh viện, viện chuyên ngành thực hiện ghép tế bào gốc ngoại vi tự thân trong điều trị các bệnh lý về huyết học cho trên 500 bệnh nhân. Tuy nhiên, đối với phương pháp ghép tế bào gốc theo phương pháp lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ âm 80 độ C chỉ mới được thực hiện tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Hiện tai, ghép tế bào gốc là phương pháp điều trị hiệu quả đối với một số bệnh về máu. Có hai phương pháp ghép tế bào gốc là ghép tự thân và đồng loại (tế bào gốc được lấy từ người cho thích hợp) với nguồn tế bào gốc từ tủy xương, máu ngoại vi và máu cuống rốn.