Bài 1: Nguy cơ trở thành mối hiểm họa đối với sức khỏe
Thời gian gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nước (shisha) và thuốc lá làm nóng (HTPs) xuất hiện nhiều trên thị trường và được nhà sản xuất quảng cáo là ít tác hại hơn thuốc lá điếu thông thường, là sản phẩm để hỗ trợ người hút thuốc cai thuốc lá điếu thông thường. Điều này khiến nhiều người nhầm tưởng thuốc lá thế hệ mới giúp họ bỏ thuốc lá điếu thông thường dần dần nhưng trên thực tế thì không phải như vậy.
Nhiều thành phần tương tự thuốc lá điếu
Theo tìm hiểu của phóng viên, thuốc lá thế hệ mới được bán nhiều tại các cửa hàng, trên mạng internet với nhiều tên gọi, dạng sản phẩm, kiểu dáng đa dạng, bắt mắt với đủ loại giá thành từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Đặc biệt, thành phần của các loại thuốc lá này đều chứa nicotine (chất gây nghiện cực mạnh).
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là 2 loại thuốc lá thế hệ mới khác nhau. Trong đó, thuốc lá điện tử có cấu tạo gồm các bộ phận: pin, sạc; bộ phận gia nhiệt, làm nóng, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử. Loại thuốc lá này có loại dùng 1 lần hoặc nhiều lần (người dùng cần bổ sung thêm dung dịch điện tử khi hết). Thành phần dung dịch điện tử hầu hết chứa nicotine, glycerin, propylene glycol và hương liệu (có trên 15.500 loại hương liệu).
Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin/Glycerin gốc thực vật khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên. Trong khi, thuốc lá điện tử lại hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch lỏng hòa tan (dung dịch điện tử), tạo nên một hóa hơi (không phải hơi nước) cho người dùng hít vào. Làn hơi này vẫn tỏa ra môi trường dẫn đến việc những người xung quanh cũng hít phải, ngửi thấy và cảm nhận rõ.
Thuốc lá làm nóng sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng điếu thuốc hay đầu cắm lá thuốc ép. Điếu thuốc hay đầu mồi được làm nóng đến nhiệt độ đủ cao (vài trăm độ C) để sinh ra các hạt khói, làn khói có thể hít vào. Thiết bị điện tử bao gồm bộ phận gia nhiệt làm nóng, điếu thuốc hay đầu cắm phải được sử dụng cùng nhau. Thuốc lá làm nóng sử dụng nguyên liệu lá thuốc lá, giấy pha tẩm lá thuốc lá nên có tính chất tương đồng với thuốc lá điếu thông thường về thành phần nguyên liệu. Do đó, thuốc lá làm nóng cũng gây ra tác hại với sức khỏe con người tương tự như thuốc lá điếu thông thường.
Do đó, việc các nhà sản xuất quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá đốt nóng là sản phẩm không đốt cháy nên không tỏa khói từ đó giảm tác hại hơn thuốc lá điếu thông thường là không chính xác.
Các bác sỹ cho rằng dạng hơi của thuốc lá điện tử bên cạnh các chất gây nghiện, vẫn chứa formaldehyde, benzene và nitrosamines (chất đặc biệt có trong thuốc lá và gây ung thư), acetaldehyde và các chất gây ung thư khác. Do đó, người hít phải khói thuốc lá điện tử cũng giống như người hút trực tiếp đều có nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, trong đó có ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày…; các vấn đề sẽ ảnh đến chất lượng cuộc sống như vô sinh, liệt dương, bệnh lý răng miệng, bệnh lý đại tràng, dạ dày,…
Không phải giải pháp để bỏ thuốc lá điếu thông thường
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, thuốc lá thế hệ mới hoàn toàn không an toàn và không có khả năng hỗ trợ cai nghiện thuốc lá điếu thông thường do loại thuốc lá này vẫn chứa chất gây nghiện nicotine (chất gây nghiện tương tự như heroin hay cocaine). Khi ngưng sử dụng, hàm lượng nicotin trong máu giảm, gây cảm giác bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, thôi thúc người dùng cần phải sử dụng. Đây chính là triệu chứng nghiện nicotine, hay nghiện thuốc lá.
Khi người dùng hút càng nhiều nicotine thì cơ thể càng quen, càng gây nghiện nặng hơn. Do đó, bản thân thuốc lá thế hệ mới gây ra và duy trì chứng nghiện nicotine không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường. Đồng thời, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm này thậm chí làm người dùng vừa nghiện thuốc lẫn nghiện nicotine, nguy hại hơn là biến đổi cấu trúc ADN.
Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này khiến người sử dụng không kiểm soát được số lượng thuốc hút trong ngày như thuốc lá điếu thông thường, dẫn đến nguy cơ hút nhiều thuốc hơn, từ đó tiêu thụ nhiều nicotine và các chất độc hại khác, gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.
Ngoài ra, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu thường phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên dễ bị lợi dụng để tăng lượng nicotine, thậm chí pha trộn cả heroin để gây nghiện cho người sử dụng. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ đã được điều tra, phát hiện và vẫn đang diễn biến phức tạp.
Hiện chưa có đầy đủ thông tin về mức độ gây hại của các loại thuốc lá mới và bằng chứng để xác định tính hiệu quả của việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới như một biện pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Nhìn vào thành phần và một số nghiên cứu về thuốc lá thế hệ mới cũng có thể thấy, thuốc lá điện tử hay thuốc lá làm nóng không thể là "cứu cánh" giúp người hút thuốc lá cai thuốc lá điếu thông thường bởi bản thân thuốc lá thế hệ mới cũng chứa những thành phần độc hại giống hoặc hơn cả thuốc lá điếu thông thường.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết hiện chưa có bằng chứng rõ ràng nào về công dụng cai nghiện thuốc lá thông thường của thuốc lá điện tử. Với đa số người hút thuốc, việc sử dụng thuốc lá điện tử chỉ có tác dụng làm giảm việc hút thuốc chứ không khiến họ bỏ thuốc hẳn. Điều này cũng có nghĩa là người sử dụng sẽ dùng đồng thời cả thuốc lá thường và thuốc lá điện tử. WHO khuyến cáo nên cấm hoặc kiểm soát thuốc lá điện tử nhằm hạn chế ảnh hưởng của sản phẩm này với sức khỏe con người. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, trong đó có cả các nước trong khối ASEAN.