Cụ thể, công ty Discovery Therapeutics Caribe (DTC) của Mỹ, chuyên về công nghệ sinh học, đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép triển khai quy trình giai đoạn 3 dành cho thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, kiểm soát giả dược đối với sản phẩm đang được bán trên thị trường tại hơn 20 quốc gia với tên thương mại Heberprot-P.
Dựa trên dữ liệu an toàn và hiệu quả lâm sàng được thu thập từ các công trình nghiên cứu quốc tế, DTC tin tưởng công ty này đang đi đúng hướng để bắt đầu chương trình thử nghiệm quan trọng đối với thuốc Heberprot-P tại Mỹ vào cuối năm 2024.
Loại biệt dược do nhóm nghiên cứu của Trung tâm Kỹ thuật di truyền và Công nghệ sinh học (CIGB) thuộc BioCubaFarma điều chế là loại thuốc duy nhất trên thế giới có khả năng đẩy nhanh quá trình tạo hạt và tái biểu mô ở vết loét bàn chân do tiểu đường và rút ngắn thời gian chữa lành các tổn thương này, qua đó làm giảm số lượng vết loét, giúp bệnh nhân tránh được hoại tử và nguy cơ bị cắt cụt chi.
CIGB tuyên bố việc sử dụng biệt dược Heberprot-P trong điều trị tiểu đường làm giảm tới 71% nguy cơ tàn phế. Heberprot-P thường được áp dụng cho các bệnh nhân đã chịu đựng biến chứng ở chân trên 7 năm, vào thời điểm cơ thể kiểm soát kém hoạt động trao đổi chất dẫn tới những biến chứng về thần kinh, thị giác và thận.
Trong hơn 20 năm qua, thuốc Heberprot-P đã được đăng ký sử dụng tại 26 quốc gia và góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của gần 450.000 bệnh nhân tiểu đường. Heberprot-P từng nhận Huy chương vàng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) với đánh giá là phương thức điều trị đầu tiên chứng minh hiệu quả rõ rệt với căn bệnh biến chứng từ tiểu đường nêu trên, giúp giải quyết các vấn đề tâm lý, chi phí, giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bác sĩ phẫu thuật bàn chân của Đại học Nam California và nhà nghiên cứu loét bàn chân do tiểu đường nổi tiếng thế giới - Tiến sĩ David Armstrong - nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tìm ra các liệu pháp mới có thể ngăn chặn sự tiến triển của vết loét bàn chân do tiểu đường trước khi buộc phải cắt cụt chi. Ông bày tỏ hy vọng vào các liệu pháp tiên tiến như Heberprot-P có thể thay đổi mô hình hiện tại và mang lại hy vọng mới cho những người đang rất cần.
Ông Lee Weingart - đồng sáng lập kiêm Chủ tịch DTC - ước tính hơn 37 triệu người Mỹ hiện sống chung với bệnh tiểu đường và có tới 34% trong số này sẽ bị loét bàn chân do biến chứng, trong khi khoảng 154.000 bệnh nhân sẽ buộc phải cắt cụt chi.
Tiến sĩ Charles Zelen, chuyên gia về bệnh tiểu đường, cảnh báo gần một nửa số bệnh nhân bị cắt cụt chi dưới liên quan đến loét bàn chân do tiểu đường không thể sống thêm quá 5 năm.
Bệnh nhân tiểu đường thường dễ bị biến chứng viêm loét, phù nề ở chân. Khoảng 15% bệnh nhân tiểu đường bị loét bàn chân và 15% trong số đó phải tháo khớp để có thể tiếp tục sự sống. Trên thế giới, trung bình 30 giây lại có một bệnh nhân phải cưa chân vì căn bệnh này.