Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và các biện pháp phòng bệnh, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh).
Thưa bác sĩ, vì sao trong thời gian gần đây, người cao tuổi đến khám và nhập viện do mắc bệnh về đường hô hấp tăng?
Cuối năm thời tiết thay đổi đột ngột, có nhiều đợt không khí lạnh làm nhiệt độ giảm xuống, độ ẩm cao hoặc thay đổi sang hanh khô. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn dễ dàng phát triển và có khả năng gây bệnh. Bên cạnh đó, các bệnh này dễ lây lan thông qua các giọt bắn li ti từ đường hô hấp hoặc khi tiếp xúc với bề mặt chứa mầm bệnh.
Thông thường, ở người cao tuổi có sự lão hoá suy giảm chức năng các cơ quan, trong đó có hệ miễn dịch và hệ thống hô hấp, do đó những thay đổi về thời tiết sẽ làm tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Cùng với đó, môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, nhà ở chật chội, không thông thoáng cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho người cao tuổi dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là vào thời gian chuyển mùa và mùa lạnh.
Chính vì vậy, trong giai đoạn này, nhiều người cao tuổi đến khám và nhập viện vì các bệnh lý liên quan đến hô hấp gia tăng. Thực tế, trong thời gian gần đây, tại khoa Hô hấp của bệnh viện, số bệnh nhân đến khám và điều trị liên quan đến bệnh hô hấp tăng 30 - 40% so với trước. Hiện tại, khoa đang điều trị nội trú cho 70 bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.
Người cao tuổi khi bị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ?
Người cao tuổi khi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp thường trở nặng hơn ở người trẻ. Theo thống kê, trung bình người cao tuổi ở Việt Nam thường có 4 - 5 bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn… ít nhiều đã sẵn có những tổn thương ở biểu mô đường hô hấp. Do đó, khi có điều kiện thuận lợi, kèm theo mầm bệnh tiềm ẩn vào thời điểm giao mùa, các bệnh này thường tái phát và bệnh sẽ nặng hơn.
Tại khoa Hô hấp, bên cạnh số bệnh nhân nhập viện tăng thì số bệnh nhân bị suy hô hấp phải thở máy cũng tăng. Hiện có 12 trường hợp đang phải thở máy và nhiều người nằm điều trị trong thời gian dài. Các bệnh liên quan đến đường hô hấp khiến bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng nặng như: viêm phổi, đợt cấp của hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
Cụ thể, trường hợp của bệnh nhân N.V. H (66 tuổi, ngụ quận Tân Bình), có tiền sử bệnh tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn. Trước nhập viện, bệnh nhân bị cảm cúm, tuy nhiên 2 - 3 ngày sau xuất hiện tình trạng ho, sốt, khó thở phải nhập viện cấp cứu chẩn đoán là viêm phổi, sau đó chuyển sang suy hô hấp, bệnh nhân phải được hỗ trợ thở máy và nằm viện điều trị hơn 2 tuần.
Các triệu chứng chính của viêm phổi như sốt, ho khạc đàm mủ, khó thở, đau tức ngực. Tuy nhiên, người cao tuổi hệ miễn dịch bị suy giảm nên khi bị virus, vi khuẩn tấn công, những biểu hiện trên thường không rõ ràng, sốt không cao, đến khi nhập viện bệnh đã nặng. Nhiều bệnh nhân phải tái nhập viện nhiều lần làm tăng nguy cơ bệnh nặng phải điều trị tích cực, tăng số ngày nằm viện, tăng tỉ lệ tử vong do các biến chứng nặng nề. Nhiều nghiên cứu cho thấy, người cao tuổi có bệnh hô hấp mạn tính nếu có thêm bệnh nền tim mạch, mắc cúm... thì sẽ tăng nguy cơ tử vong lên 12 lần.
Thưa bác sĩ, người cao tuổi cần làm gì để phòng các bệnh liên quan đến đường hô hấp?
Để phòng bệnh liên quan đến thời tiết giao mùa cuối năm, đặc biệt là bệnh liên quan đến đường hô hấp, người cao tuổi cần phải tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục mỗi ngày. Khi mưa rét, hạn chế đi ra đường, nên giữ ấm cơ thể tránh bị lạnh đột ngột. Nếu cần thiết, phải mặc đủ ấm (áo ấm, khăn quàng cổ, tất, mũ) và đeo khẩu trang. Việc tắm rửa hàng ngày nên dùng nước ấm, buồng tắm kín gió, không nên tắm lâu, lau khô và nên mặc quần áo ngay. Hạn chế quạt máy và máy lạnh, không uống nước lạnh có đá, không khí luôn cần được thông thoáng.
Tuy nhiên, cách dự phòng hữu hiệu hiện nay là tiêm vaccine tăng cường kháng thể chủ động. Vaccine là biện pháp phòng bệnh, phòng ngừa các biến chứng nặng do bệnh và ngăn diễn tiến nặng tình trạng bệnh lý nền ở người cao tuổi rất hiệu quả. Sau tiêm vaccine, nếu có mầm bệnh xâm nhập, cơ thể kịp thời kích hoạt cơ chế bảo vệ có thể tiêu diệt mầm bệnh, giảm các biến chứng nặng, giảm nguy cơ bội nhiễm.
Theo đó, các vaccine được khuyến cáo người cao tuổi nên tiêm gồm vaccine cúm mỗi năm một lần; vaccine phế cầu phòng hiệu quả viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn gây ra. Ngoài ra, người cao tuổi cần tiêm vaccine phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván để tăng cường miễn dịch trước nhiều loại bệnh.
Đặc biệt, người cao tuổi khi xuất hiện các triệu chứng ho, cảm cúm, sốt… tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh để điều trị hoặc sử dụng đơn thuốc cũ nhiều lần khi bệnh tái phát dù không có chỉ định. Vì như thế, sẽ làm gia tăng sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn hoặc sử dụng thuốc không phù hợp khiến người bệnh và các bác sĩ gặp khó khăn trong điều trị, thậm chí bệnh có thể tiến triển nặng gây biến chứng, làm giảm cơ hội điều trị.
Xin cảm ơn bác sĩ!