Tuyệt đối cấm dùng thuốc Aspirin và Ibuprofen khi bị sốt xuất huyết

“Nhiều bệnh nhân tự chữa trị ở nhà không đúng cách, khiến bệnh càng nặng thêm. Khi có các dấu hiệu bệnh trở nặng, kèm theo xuất huyết, bệnh nhân phải lập tức đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế”, TS.BS Đỗ Duy Cường, trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai cảnh báo.

Bệnh nhân điều trj sốt xuất huyết tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Theo TS.BS Đỗ Duy Cường, Khoa đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng, nhập viện trong tình trạng suy thận và tổn thương gan do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do sai lầm trong cách điều trị bệnh.


Cụ thể theo TS Cường, bệnh nhân đã tự ý dùng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập, uống hạ sốt liên tục không theo đúng thời gian quy định. Vì sốt xuất huyết là bệnh do virus, nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao. Đặc biệt tuyệt đối không dùng thuốc Aspirin và Ibuprofen để hạ sốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết, vì 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.


“Người bệnh phải dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt có thành phần Paracetamol, tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ. Bên cạnh đó, số lần uống là 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em. Để giảm sốt, người nhà nên cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm”, BS. Cường cho biết.


Đặc biệt, nhiều người còn tự ý mua kháng sinh sử dụng. Tuy nhiên, sốt xuất huyết là bệnh do virus gây ra, dùng kháng sinh không có tác dụng khỏi bệnh. Bên cạnh đó, các thuốc có corticoid cũng không được khuyến cáo sử dụng.


Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: Sốt xuất huyết có các biểu hiện đặc trưng là sốt kèm với xuất huyết. Sốt thường kéo dài từ 2 - 7 ngày, trong những ngày đầu thường sốt rất cao, đến ngày thứ 5, thứ 6 sẽ giảm dần và hết sốt.


Với các trường hợp nhẹ có thể điều trị ngoại trú, tự theo dõi và tái khám theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trong những ngày đầu mắc bệnh, bệnh nhân chỉ cần uống thuốc hạ sốt, bù nước qua đường uống, hoặc uống Oresol bù dịch, hoặc truyền dịch nếu có chỉ định của bác sĩ.


Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có các biểu hiện như: Sốt từ 3 ngày trở lên kèm theo các dấu hiệu vật vã, li bì, người lừ đừ kèm theo đau vùng gan, nôn nhiều, tiểu ít, mệt mỏi, ăn kém, chân tay lạnh, xuất huyết niêm mạc... thì cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế.


Đối với các bệnh nhân sẽ có các biểu hiện có sốc, chảy máu nặng như: Nôn ra máu, rong kinh- rong huyết, đi ngoài phân đen... là bệnh sốt xuất huyết đã nặng, khi đó, cần phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.


TN/Báo Tin Tức
Bộ trưởng Y tế: Quyết tâm không để tiếp tục xảy ra tử vong do sốt xuất huyết
Bộ trưởng Y tế: Quyết tâm không để tiếp tục xảy ra tử vong do sốt xuất huyết

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để có thể dập tắt dịch sốt xuất huyết, quan trọng nhất là phải để người dân nhận diện được loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi ades và triệt để xử lý các nguồn sinh sôi của loại muỗi này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN