Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đánh giá, hai bên đã tích cực hợp tác trong nhiều lĩnh vực đảm bảo sức khỏe cho người di cư, bao gồm: Việc nâng cao nhận thức về sức khỏe của người di cư; tăng cường hợp tác song phương trong công tác kiểm soát bệnh lao qua biên giới; hỗ trợ tăng cường hợp tác khu vực, thông qua các hội thảo khu vực về di cư và sức khỏe người di cư.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu lao động lớn, khi nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài ngày càng tăng cao. Theo số liệu thống kê năm 2023, khoảng 155.000 lao động Việt Nam đã ra nước ngoài làm việc, chiếm gần một phần ba lực lượng lao động mới tham gia thị trường.
Giống như nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về y tế, từ bệnh truyền nhiễm, rủi ro sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần đến các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường... Các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, lao và sốt rét vẫn là những mối lo ngại lớn.
Mục tiêu đạt được bảo hiểm y tế toàn dân (UHC) đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt đối với người di cư. Các nghiên cứu của Tổ chức Di cư Quốc tế cho thấy, người di cư vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế do rào cản ngôn ngữ, phân biệt đối xử, hạn chế về tài chính, thiếu bảo hiểm y tế xuyên quốc gia và cơ chế chuyển tuyến bệnh nhân chính thức.
Bà Park Mi-Hyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh, sự hợp tác này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người di cư, phù hợp với Thỏa thuận Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
“Trong bối cảnh di cư toàn cầu gia tăng, sự hợp tác và quan hệ đối tác là chìa khóa để cải thiện sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người di cư. Người di cư khỏe mạnh sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng", bà Park Mi-Hyung chia sẻ.
Bản ghi nhớ lần này sẽ là nền tảng để củng cố quan hệ đối tác trong lĩnh vực y tế giữa hai bên. Tổ chức Di cư Quốc tế, với vai trò là cơ quan hàng đầu của Liên hợp quốc về di cư an toàn, tiếp tục hợp tác chiến lược, lâu dài với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Y tế, nhằm đảm bảo sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người di cư.
Những năm qua, Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam đã có nhiều sáng kiến nhằm cải thiện sức khỏe cho người di cư. Điển hình là chương trình phối hợp kiểm soát bệnh lao xuyên biên giới; đào tạo 200 cán bộ y tế của Việt Nam và Campuchia sử dụng phần mềm chuyển tuyến bệnh nhân xuyên biên giới DHIS2.
Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam đã hỗ trợ hơn 95.000 khẩu trang N95 tại 16 cửa khẩu đường không và đường bộ; 700 máy sát khuẩn tay tự động và 7 camera đo thân nhiệt. 736 cán bộ tuyến đầu đã được đào tạo về phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, cũng như các kiến thức về di cư an toàn.
Ngoài ra, việc thành lập Nhóm Kỹ thuật Sức khỏe người di cư (MHWG) cũng giúp quản lý sức khỏe người di cư, xây dựng các chính sách y tế toàn diện. Qua việc thành lập nhóm này, Tổ chức Di cư Quốc tế đã cung cấp kiến thức y tế cho hơn 23.500 lao động Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua Sổ tay Sức khỏe cho người Việt Nam làm việc ở nước ngoài.