Văn hóa ăn bánh mì vẫn thịnh hành ở Pháp đến độ hiện không khó bắt gặp những người dân nước này ôm những ổ bánh mì dài trên phố mỗi ngày. Theo trang dữ liệu Planetoscope, khoảng 10 tỷ chiếc bánh mì baguette được tiêu thụ mỗi năm ở Pháp, tương đương khoảng 320 chiếc mỗi giây.
Khi nước Pháp tiến hành đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất đề phòng sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 hồi đầu năm 2020, nhà chức trách nước này vẫn đảm bảo các cửa hàng bánh vẫn mở cửa phục vụ người dân.
Tuy nhiên, có điều số lượng các cửa hàng bánh trên khắp cả nước, đặc biệt là ở các vùng nông thôn ở nước này đã giảm trong thời gian qua. Nếu trong năm 1970, nước Pháp có 55.000 tiệm bánh thủ công, trung bình cứ 790 người dân có 1 tiệm bánh, thì hiện nay chỉ còn 35.000 tiệm bánh, tương đương cứ 2.000 người có 1 tiệm bánh. Các tiệm bánh ngày nay cũng thường sản xuất bánh mì baguette một cách công nghiệp.
Loại bánh mì đặc trưng của nền ẩm thực Pháp chính thức được đặt tên vào năm 1920 khi một đạo luật ra đời quy định cụ thể chiếc bánh mì này có trọng lượng tối thiểu 80 g và chiều dài tối đa 40 cm.
Hiện có rất nhiều giả thuyết về lịch sử ra đời của chiếc bánh mì này. Người Pháp rất khắt khe, thậm chí được cho là khó tính trong việc thưởng thức bánh mì baguette. Người Pháp chỉ coi một chiếc bánh là ngon khi đáp ứng được những tiêu chí gồm vỏ ngoài giòn cứng, có màu rất vàng, phần ruột bánh bên trong có màu nâu cà phê và mềm dẻo. Để làm được một chiếc bánh kiểu này, cần khoảng 4 tiếng từ lúc nhào nặn bột cho đến lúc đóng khuôn và cho vào lò nướng.
Danh sách đề cử di sản văn hóa phi thể của UNESCO trong năm nay gồm văn hóa tắm hơi ở Phần Lan, lễ hội đèn lồng ở Hàn Quốc và cuộc thi cắt cỏ ở Bosnia - Herzegovina.