Xác lập chuyên án, triệt phá đường dây tội phạm
Vụ việc mới nhất, tháng 7/2024, một chuyên án đã được lực lượng Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Tây Ninh phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh triển khai thành công, chặn đứng đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Campuchia qua địa bàn tỉnh Tây Ninh. Qua đó, 2 đối tượng mua bán người xuyên quốc gia bị bắt giữ và kịp thời giải cứu thành công những nạn nhân liên quan đến đường dây này, đưa về nước an toàn.
Cụ thể, qua công tác nắm tình hình và rà soát, sàng lọc người Việt Nam từ số lao động bất hợp pháp ở Campuchia do các lực lượng chức năng Campuchia trao trả về nước, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Tây Ninh đã xác định 2 trường hợp có dấu hiệu là nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Quá trình tìm hiểu và khai thác thông tin từ các nạn nhân, lực lượng Biên phòng xác định, trong số công dân được trao trả này có Phạm Thị K.A (21 tuổi, trú tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), là một nhân tố quan trọng trong hoạt động của đường dây mua bán người xuyên quốc gia.
Đại tá Trương Công Số, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết, từ những thông tin ban đầu thu thập, kết hợp thông tin lực lượng Biên phòng nắm được trước đó về hoạt động của các đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Campuchia, đơn vị đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thành lập chuyên án.
Để chuyên án được triển khai hiệu quả, Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Tây Ninh phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh và các lực lượng có liên quan ở ngoại biên. Đặc biệt, trong suốt quá trình đấu tranh chuyên án phải đảm bảo an toàn, đúng pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc đối ngoại.
Qua đấu tranh, Phạm Thị K.A khai nhận đã cùng với một số đối tượng người Việt Nam đang làm việc tại Campuchia tạo các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Telegram) để thực hiện tuyển dụng lao động từ người Việt Nam sang thành phố Bavet, tỉnh SvayRieng (Campuchia) làm việc với mức lương từ 1.000 - 2.000 USD/tháng.
Khi những lao động người Việt dính bẫy “việc nhẹ lương cao”, đường dây mua bán người này tìm cách bán nạn nhân cho các công ty cờ bạc, lừa đảo ở Campuchia với giá từ 100 - 500 USD/nạn nhân. Sau khi bị bán, các nạn nhân bị cưỡng bức lao động, tình dục, bị tra tấn, nhục hình. Nhiều nạn nhân không chịu nổi đã liên hệ gia đình chuyển tiền chuộc người.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tâm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tây Ninh, ngay sau khi xác định dấu hiệu tội phạm, cơ quan công an đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Phạm Thị K.A, đồng thời khởi tố vụ án để điều tra.
Xác định vẫn còn một số đối tượng và nạn nhân đang kẹt lại ở Campuchia, thông qua chương trình phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng Tây Ninh và lực lượng vũ trang 3 tỉnh tiếp giáp biên giới thuộc Campuchia đã ký kết, Ban chuyên án đã đề nghị các lực lượng chức năng Campuchia hỗ trợ truy xét, truy tìm.
Ngay khi xác định nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng trong đó có nạn nhân H.T.M.L (16 tuổi, trú tại phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đang bị giam giữ, cưỡng bức lao động tại một tòa nhà nằm trong khu Venus thuộc thành phố Bavet, tỉnh SvayRieng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã đề nghị lực lượng Hiến binh và Công an tỉnh SvayRieng hỗ trợ giải cứu thành công.
Cũng theo Đại tá Trương Công Số, từ những thông tin do nạn nhân cung cấp, các trinh sát Đội Đặc nhiệm Biên phòng nhanh chóng xác minh và xác định Đới Thị Y.L (17 tuổi, trú tại tỉnh Bình Dương) đang ở Campuchia là người đã dụ dỗ và bán nhiều cô gái Việt Nam dưới 17 tuổi sang các công ty cờ bạc, lừa đảo. Với sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng Campuchia, Y.L bị bắt giữ và bàn giao cho Ban chuyên án để phục vụ công tác điều tra. Bước đầu điều tra, Y.L đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Xóa “bẫy” mua bán người
Trở về từ “địa ngục trần gian”, nạn nhân H.T.M.L (16 tuổi, ngụ thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) kể, L. bị đường dây này dụ dỗ xuất cảnh sang Campuchia làm việc, sau đó bị bán vào một công ty game bài. Có rất nhiều cô gái dưới 17 tuổi như L. đã bị những đối tượng quản lý ở đây xâm hại, cưỡng bức tình dục, cưỡng bức lao động nhưng không ai dám phản kháng do bị tra tấn, nhục hình. Khi được giải cứu về nhà L. mới dám tin mình được sống.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tội phạm mua bán người đang có xu hướng gia tăng, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng. Nạn nhân phần lớn ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người. Tội phạm này thể hiện dưới nhiều vỏ bọc như: cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động, di cư hợp pháp hoặc bất hợp pháp; ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch…
Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, có sự tổ chức, câu kết chặt chẽ tạo thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Không gian mạng vẫn đang là điểm nóng để các nhóm đối tượng lừa đảo hoạt động, đặc biệt chiêu lừa tuyển dụng người lao động tìm “việc nhẹ lương cao” để lừa bán các nạn nhân nhẹ dạ, nhất là các cô gái dưới 17 tuổi.
Do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh khuyến cáo, người dân cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc phòng, chống mua bán người cũng như cần cẩn trọng hơn trong việc tìm hiểu thông tin trước khi tham gia vào thị trường lao động quốc tế.
Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Trưởng phòng Dạy nghề - Lao động việc làm và An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh), để không trở thành nạn nhân của những đường dây mua bán người, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, nhất là những đơn vị, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động thông qua các website của Sở hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động nên trực tiếp đến các Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh để được hướng dẫn.
Theo ông Trương Nhật Quang, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Tây Ninh, trong thời gian tới, tình hình tội phạm trên tuyến biên giới còn tiềm ẩn phức tạp, do đó cần tiếp tục phát huy, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng. Cùng với đó, quan tâm củng cố lực lượng nòng cốt ở cơ sở; xây dựng, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả về phòng, chống tội phạm; tập trung làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nhất là ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần triệt tiêu các điều kiện để bọn tội phạm lợi dụng hoạt động.