Mới đây, ngày 4/12/2023, bà X (xã Bảo Sơn) đang ở nhà trông cháu nhận được cuộc điện thoại số lạ tự giới thiệu là Thiếu úy Công an huyện Lục Nam đang tiến hành điều tra vụ việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy và yêu cầu bà X cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân. Bà X lo sợ và tin điều đó là sự thật nên đã cung cấp đầy đủ thông tin cho đối tượng.
Trong quá trình đe dọa để lừa đảo, đối tượng đã khai thác và biết thêm được bà X đang gửi tiết kiệm tại Quỹ Tín dụng xã Bảo Sơn, (huyện Lục Nam) một tỷ đồng. Đối tượng đã yêu cầu bà X ra Quỹ tín dụng xã Bảo Sơn mở một tài khoản rồi chuyển một tỷ đồng vào tài khoản đó để xác minh, kiểm tra số tiền trên của bà X có vi phạm pháp luật không. Ngay sau đó, bà X làm theo yêu cầu của đối tượng trên, ra Quỹ tín dụng xã Bảo Sơn rút tiền và chuyển tiền theo hướng dẫn.
Nhận được tin báo của nhân viên Quỹ tín dụng về giao dịch khả nghi, Thiếu tá Trịnh Đắc Tư, Phó trưởng Công an xã Bảo Sơn, lập tức có mặt xác minh, giải thích về quy trình công tác của lực lượng Công an nhân dân cho bà X, giúp bà nhận thức được hành vi trên là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và không chuyển số tiền trên nữa.
Trước đó, khoảng 14 giờ ngày 2/12/2023, ông D.V.N (sinh năm 1949, trú tại Hoàng Lương, Hiệp Hòa, Bắc Giang) nhận được cuộc gọi qua mạng xã hội Zalo từ một người đàn ông tự xưng là Trung úy Công an Thành phố Hồ Chí Minh, thông báo ông sẽ bị bắt giam về Khám Chí Hòa (nơi tạm giam của Công an Thành phố) về hành vi buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia do đối tượng Nguyễn Văn Long cầm đầu.
Sau đó, đối tượng tiếp tục sử dụng thủ đoạn uy hiếp, thao túng tâm lý, gửi ảnh Lệnh bắt bị can để tạm giam 3 tháng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho ông N. Đối tượng yêu cầu ông N xác nhận người trong lệnh bắt là ông, sau đó yêu cầu ông phải chuyển khoản 200 triệu đồng để chứng minh ông có tiền chứ không phải rửa tiền. Các đối tượng yêu cầu ông phải giữ bí mật không cho ai biết, nếu không có tiền phải đi vay bạn bè hoặc người thân.
Do đã từng được nghe tuyên truyền về các loại hình thức lừa đảo qua mạng, ông đã lên trình báo Công an xã Hoàng Lương, không rơi vào bẫy lừa đảo.
Thời gian qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, Công an các huyện, thị xã đã thường xuyên phổ biến, tuyên truyền đến các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giao dịch tại các xã, thị trấn; cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn nắm được các phương thức, thủ đoạn phạm tội nói chung, nhất là trên không gian mạng, nhằm giúp các cơ quan, đơn vị và người dân nâng cao ý thức cảnh giác, nhận biết, chủ động phòng tránh.
Để phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung và tội phạm công nghệ cao nói riêng, Công an các địa phương đề nghị nhân dân đề cao cảnh giác, thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại. Người dân luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên bảo vệ thông tin cá nhân (số căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm; mật khẩu Facebook, Zalo…); không nên công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, Internet để tránh bị kẻ xấu lợi dụng; không chuyển tiền, không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo hướng dẫn, yêu cầu khi chưa biết rõ người nhận tiền, nhận thông tin và người yêu cầu là ai, với mục đích gì. Khi có cuộc gọi tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án..., người dân phải yêu cầu người gọi gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ đến Công an địa phương nơi mình cư trú...