Video xe hợp đồng quần thảo khu phố cổ Hà Nội đón khách:
Hoạt động bát nháo
Cứ từ 7 - 9 giờ hàng ngày, các tuyến đường trong khu phố cổ Hà Nội lại bị hàng trăm xe hợp đồng các loại, từ 16 - 45 chỗ, chen lấn, chèn ép, ngang nhiên dừng đỗ, đón trả khách du lịch chạy tour, quần thảo từ phố này sang phố khác.
Càng gần Tết, tình trạng này càng gia tăng, gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Thậm chí, nhiều xe còn ngang nhiên bắt khách ngay tại các ngã ba, ngã tư, khiến giao thông tắc nghẽn, gây mất an ninh trật tự. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, có phải các loại xe hợp đồng của cả Thủ đô và ngoại tỉnh đang được hưởng đặc quyền này?
Các tuyến phố: Đinh Liệt, Hàng Trống, Hàng Phèn, Hàng Bồ, Hàng Nón, Bát Sứ, Thuốc Bắc, Lý Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm)… vốn đã chật hẹp, vào giờ cao điểm sáng càng thêm phần náo loạn, bởi hàng trăm xe hợp đồng du lịch ngang nhiên quần thảo. Do các tuyến phố này có bề rộng mặt đường hẹp, nên chỉ cần một chiếc xe hợp đồng cỡ lớn 45 chỗ lưu thông qua là các phương tiện theo sau ngay lập tức dồn ứ, chưa nói đến chuyện các xe này dừng đỗ, đón trả khách vô tội vạ, bất kể thời gian.
Qua tìm hiểu, thực tế trên không chỉ làm gia tăng sức ép lên hạ tầng giao thông, mà đang kéo theo tình trạng “xe dù, bến cóc” hình thành trên các tuyến đường vành đai ngoài khu vực phố cổ như: Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), Yên Phụ (quận Tây Hồ)... Thậm chí, chính các văn phòng đại diện của các doanh nghiệp vận tải đặt trụ sở hay các khách sạn tư nhân cũng dần trở thành những “bến cóc”...
Theo đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, trong tổng số khoảng 240.000 xe hợp đồng vận tải khách, chỉ có gần 20.000 xe tuyến cố định, còn lại hoạt động trá hình, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh lân cận trong bán kính trên dưới 200 km.
Loại hình vận tải này đang tụ tập bến bãi, đón trả khách ở một hay một số địa điểm cố định tại các văn phòng trong nội thành sai quy định, nhưng không được cơ quan nào quản lý. Thực tế này đã và đang tạo "kẽ hở" cho tình trạng xe hợp đồng trá hình hoạt động ngày càng nhức nhối, gây ra nhiều hệ lụy đối với giao thông nội đô.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, với hoạt động vận tải hành khách, tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, xe hợp đồng vận tải khách phải đúng bản chất hợp đồng, phải vào các bến xe đã đăng ký để dừng đỗ, đón trả khách theo quy định. Riêng tại các đô thị thuộc tỉnh có thể cho phép đón tại nhà, vì khó xảy ra ùn tắc.
Vì vậy, theo các chuyên gia giao thông, để quản lý loại hình xe hợp đồng vận tải khách hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam, với vai trò quản lý Nhà nước, cần yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải vào bến xe để đón trả khách, vừa lập lại trật tự vận tải, vừa ngăn triệt tận gốc nạn xe dù, bến cóc.
Xe hợp đồng phải vào bến xe dừng đỗ, đón trả khách
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, Cục đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/CP theo hướng: Tại các đô thị loại I và loại đặc biệt, xe hợp đồng chở công nhân, chuyên gia được đón trả khách theo địa điểm ghi trong hợp đồng. Với hợp đồng cá nhân (xe hợp đồng đang chạy trá hình tuyến cố định) sẽ thực hiện đón, trả khách tại bến xe hoặc địa điểm do UBND cấp tỉnh công bố. Việc sửa đổi Nghị định 10 cũng sẽ quy định xe hợp đồng, xe du lịch không được đón trả khách thường xuyên từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong 1 tháng tại trụ sở chính, văn phòng đại diện...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đối tượng khách đi xe hợp đồng hiện nay đa dạng, ngoài khách lẻ đi xe hợp đồng trá hình, còn có lượng lớn khách có nhu cầu hợp đồng thật, thuê trọn chuyến để đi đám cưới, đám hỏi, du lịch. Do đó, việc bắt buộc xe hợp đồng phải vào bến xe cần được cân nhắc.
Còn ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho hay, bến xe hiện có công suất 850 xe ra vào bến/ngày, nhưng số lượng xe ra vào hiện chỉ bằng 1/2, bến xe đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu các nhà xe...
Tại Hội nghị sơ kết công tác vận tải mới đây của Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các cơ quan quản lý chuyên ngành rà soát, đưa hoạt động xe hợp đồng vận tải khách vào khuôn khổ của pháp luật trước tình trạng báo chí, người dân phản ánh xe hợp đồng chạy sai quy định luồng tuyến, đang là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, tai nạn, xe dù bến cóc...
"Phải rà soát lại hoạt động xe hợp đồng, phải tìm kẽ hở và bịt lại kẽ hở để hoạt động kinh doanh vận tải khách phải trong khuôn khổ của pháp luật. Hai vấn đề lớn cần chú trọng là doanh thu, tình hình đóng thuế theo quy định của pháp luật và kiểm soát hành trình di chuyển, luồng tuyến đăng ký", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Qua tìm hiểu, hơn 8 năm qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên ô tô các loại để quản lý dữ liệu vận tải của các doanh nghiệp truyền về. Song, hiệu quả đến nay chưa được như kỳ vọng. Trong lúc nghiên cứu, chờ áp dụng công nghệ số giám sát quản lý vận tải mới hiệu quả hơn, Cục Đường bộ Việt Nam đang tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (C08 - Bộ Công an) căn cứ dữ liệu giám sát hành trình để tăng cường quản lý, xử lý vi phạm.
Cục Đường bộ Việt Nam đã bàn giao 64 tài khoản để C08 truy cập hàng ngày, giám sát, kịp thời xử lý vi phạm, kết hợp cùng lực lương chức năng tại 63 Sở GTVT. Thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất điều chỉnh điều kiện kinh doanh trong hoạt động vận tải tại Luật, Nghị định liên quan theo hướng chặt chẽ hơn.