Các chiêu thức của bọn lừa đảo thường là xin thông tin tài khoản nạn nhân để chuyển tiền đặt cọc mua hàng nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Cụ thể, sau khi tìm hiểu, nắm sát thông tin rao bán hàng hóa ở các trang thương mại điện tử, các đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản Messenger liên hệ với người bán, tự giới thiệu là công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, có nhu cầu mua hàng hóa ở Việt Nam. Sau khi thỏa thuận thống nhất giá cả mua bán, các đối tượng này đề nghị người bị hại cung cấp thông tin về số tài khoản, số điện thoại cá nhân của người bán để chuyển tiền đặt cọc. Sau đó, các đối tượng này gửi đường link của trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế Westernunion, yêu cầu người bán hàng nhập số tài khoản, mật khẩu tài khoản và mã OTP thì số tiền trong tài khoản của người bán sẽ được chuyển đến tài khoản của các đối tượng lừa đảo.
Các đối tượng lừa đảo còn giả các trang bán hàng online trên mạng. Những người tham gia mua hàng trên mạng tưởng đó là Facebook quen thuộc mà mình đã đăng ký mua hàng nên không nghi ngờ, nạp tiền vào tài khoản các đối tượng đưa ra và bị các đối tượng này chiếm đoạt tiền, không chuyển hàng như đã cam kết.
Ngoài ra, một số đối tượng lừa đảo giả người nước ngoài, làm quen, tặng quà. Thủ đoạn của loại tội phạm này là đối tượng sử dụng Facebook thường tự xưng là quân nhân, doanh nhân Mỹ, tìm kiếm kết bạn, tán tỉnh với nhiều phụ nữ Việt Nam. Sau khi chiếm được niềm tin, những đối tượng lừa đảo này sẽ xin thông tin cá nhân của nạn nhân để tặng quà, tiền hoặc nhờ nhận giúp số tiền lớn gửi từ nước ngoài về Việt Nam. Khi nạn nhân chuẩn bị đi nhận quà, đối tượng giả làm nhân viên hải quan của sân bay, nhân viên giao hàng yêu cầu nạn nhân nạp tiền phí hoặc tiền thuế qua tài khoản cho sẵn mới được nhận quà.
Chiêu thức khác nữa là các đối tượng lừa đảo giả danh nhà mạng nhắn tin trúng thưởng, yêu cầu người trúng thưởng nạp tiền để làm các thủ tục nhận thưởng, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Hoặc các đối tượng lừa đảo hack tài khoản Facebook, mạo nhận người thân nhờ nạp tiền. Bị hại tưởng người thân của mình đang gặp khó khăn nên đã nạp tiền và bị các đối tượng chiếm đoạt.
Điển hình là vào tháng 3/2019, bà Nguyễn Thị M. (phường Diên Hồng, thành phố Pleiku) được một nữ giới gọi điện đến xưng là công an, đang điều tra một vụ buôn bán ma túy xuyên quốc gia, có liên quan đến bà M. Đối tượng nữ này lại chuyển máy cho một đối tượng khác là nam giới. Đối tượng nam cũng xưng là công an và yêu cầu bà M. phải gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm hiện có vào tài khoản ngân hàng của đối tượng để xác minh, nếu không có liên quan đến vụ án sẽ được chuyển trả lại. Tin tưởng lời nói của các đối tượng là thật, bà M. đã chuyển tiền vào tài khoản cho đối tượng.
Anh Nguyễn Văn Q (thành phố Pleiku) đăng thông tin bán nhà trên facebook. Ít ngày sau, xuất hiện một người tên T. liên hệ, đề nghị anh Q. cung cấp thông tin tài khoản, để chuyển 100 triệu đồng đặt cọc mua nhà. Tưởng thật, anh Q. cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của mình. Hôm sau, anh Q. nhận được tin nhắn qua điện thoại, thể hiện tài khoản của mình đã tăng thêm 100 triệu đồng và một mã OTP.
Đối tượng T. gửi cho anh Q một đường link trang web: http://westeronline.weebly.com, đề nghị anh Q. nhập mã OTP vào để nhận tiền. Nhập theo yêu cầu, số tiền hơn 100 triệu đồng của anh Q. đã chuyển sang tài khoản của đối tượng.
Trước tình trạng này, ngày 18/4, Đại tá Phan Thanh Tám, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Công an tỉnh Gia Lai vừa có văn bản chỉ đạo đến Công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tuyên truyền đến người dân biết và cảnh giác với loại tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân không nghe và làm theo hướng dẫn của của các đối tượng mà nên kịp thời thông báo đến cơ quan công an nơi gần nhất. Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không biết.